Xây dựng thương hiệu vườn cây ăn trái đạt chuẩn sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) sẽ đem lại thu nhập cao cho nông dân. Đó là khẳng định của Trung tâm Khuyến nông tỉnh.
Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030, phát triển diện tích cây ăn trái OCOP khoảng 10.000ha, trong đó trên 40% diện tích trồng tập trung, chất lượng, gắn với chế biến hàng hóa.
Mô hình mang lại thu nhập cao
Theo Sở NN-PTNT, những năm gần đây, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng. Đến nay, tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh là 6.900ha, tăng 1,9% so với năm 2020 và tăng 2% so với năm 2019, sản lượng 47.482 tấn. Ngoài các loại cây như chuối, mít, xoài, dứa, bơ… đã qua quá trình phát triển lâu dài thì gần đây, các loại cây ăn trái khác như sầu riêng, mãng cầu, mít thái, cam sành, bưởi da xanh phát triển từ các mô hình khuyến nông đang dần hình thành các vườn cây ăn trái mang lại thu nhập cao.
Ông Nguyễn Hải ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) trồng bưởi, cam xen với khóm, mít. Mô hình trồng cây ăn trái trang trại này được chính quyền địa phương chọn là mô hình tiêu biểu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và được nông dân ở nhiều địa phương khác đến tham quan học tập. “Sau những lần thu hoạch, trừ chi phí, tôi thu lợi nhuận gần 80 triệu đồng/ha/năm”, ông Hải nói.
Tại huyện Sông Hinh, Trung tâm Khuyến nông cung ứng giống cam sành, bưởi da xanh để người dân mở rộng diện tích trồng cây ăn trái trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một số giống cam sành, bưởi da xanh du nhập từ miền Nam đã cho thu hoạch, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Vườn cam sành, cam V2, bưởi da xanh của hộ ông Võ Minh Tuấn ở thị trấn Hai Riêng được trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Phú Yên năm 2020, đạt 3 sao.
Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Thời gian qua, các huyện miền núi đầu tư phát triển mạnh cây ăn trái, một số giống cam sành, bưởi da xanh du nhập từ miền Nam đã cho thu hoạch, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Một số mô hình cho thu nhập từ 300-500 triệu đồng/ha/năm. Năm 2022, trung tâm tiếp tục theo dõi, nghiệm thu, tổng kết các mô hình chuyển tiếp các năm trước. Đó là mô hình trồng thâm canh bưởi triển khai tại huyện Tây Hòa với quy mô 3ha; mô hình trồng thâm canh mít triển khai tại huyện Sông Hinh và huyện Tây Hòa với quy mô 6ha.
Mở rộng diện tích
Theo Sở NN-PTNT, việc phát triển cây ăn trái hiện nay trên địa bàn tỉnh còn phân tán, manh mún; khả năng đầu tư thâm canh thấp, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới còn hạn chế; năng suất chưa cao và chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, nhân rộng các mô hình trồng cây ăn trái gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu đạt sản phẩm OCOP ở những nơi có điều kiện trồng thuận lợi các loại giống như: sầu riêng, bưởi, cam, quýt, bơ, xoài, khóm... tập trung tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa.
Tại huyện Sơn Hòa, diện tích cây ăn trái hiện có 436ha. Ông Alê Y Bớ, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho hay: Trên địa bàn huyện đang dần hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn trái các loại theo quy mô trang trại ở các xã Sơn Hà, Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định, Ea Chà Rang, Sơn Phước. Sản phẩm cây ăn trái trồng quy mô trang trại, tham gia OCOP sẽ đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục PTNT, năm 2021, một số sản phẩm từ cây ăn trái đã đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh như: dưa lưới Hiếu Garden (huyện Tây Hòa); bánh khóm, nước khóm ép, khóm sấy Đồng Din; mãng cầu, mít thái Dũng Lỗ Chài (huyện Phú Hòa); bưởi da xanh, cam Vinh, cam sành, cam xoàn, bơ booth, mít thái, sầu riêng (huyện Sông Hinh)… Trong số đó có sản phẩm được công nhận, có sản phẩm cần hoàn thiện các thủ tục xét công nhận trong những năm tới. Sản phẩm đạt chất lượng OCOP sẽ tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, từ đó có cơ hội quảng bá thị trường, mang lại nguồn thu nhập cao.
Mới đây, UBND tỉnh đã ký quyết định phê duyệt đề án Xây dựng vùng cây ăn trái gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030. Theo đề án này, Phú Yên sẽ phát triển cây ăn trái theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Đến năm 2025, tổng diện tích phát triển cây ăn trái trên địa bàn tỉnh khoảng 8.000ha và đến năm 2030 khoảng 10.000ha. Trong đó, trên 40% diện tích trồng tập trung sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng OCOP; diện tích cho thu hoạch khoảng 7.000ha, sản lượng khoảng 65.000 tấn.
“Thực hiện đề án Xây dựng vùng cây ăn trái gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP; trên cơ sở kết quả phân tích đánh giá, phân loại đất, các địa phương đưa vào quy hoạch đất trồng cây ăn trái những diện tích có đủ điều kiện về tự nhiên. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ quy trình sản xuất trồng trọt đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm; ứng dụng các mô hình quản lý tiên tiến VietGAP, GlobalGAP vào canh tác cây ăn trái…”, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng nói.
MẠNH LÊ TRÂM