Khi cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tỉnh chung sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, một trong những nguồn lực quan trọng luôn đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là nguồn vốn tín dụng chính sách. Nhờ nguồn vốn này, địa phương kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn
Chị Đỗ Thị Mộng Lan ở thôn Phước Khánh (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) chuyên bán đồ ăn sáng ở chợ Phước Khánh. Thời điểm địa phương giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, chị phải ngừng hẳn công việc bán hàng, nguồn thu nhập chính của gia đình không còn. “Thời điểm này, tôi tập trung nuôi 2 con bò mẹ được mua từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Mỗi bò mẹ lại đẻ ra một bê con và tiếp tục mang thai nữa nên tôi và người nhà bỏ công chăm sóc. Trong lúc khó khăn, tôi vẫn yên tâm phần nào vì đã có vốn tín dụng chính sách hỗ trợ”, chị Lan nói.
Năm vừa qua, không riêng chị Lan mà rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hộ nghèo và các đối tượng chính sách, bị ảnh hưởng sinh kế do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai lũ lụt những tháng cuối năm 2021. Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Trong đó, địa phương tập trung chỉ đạo ưu tiên nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng yếu thế, gặp khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Và một trong những nguồn lực quan trọng luôn đồng hành với người nghèo, các đối tượng chính sách khác là nguồn vốn tín dụng chính sách.
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên, trong năm 2021, chi nhánh đã giải ngân trên 1.200 tỉ đồng cho hơn 36.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Qua đó góp phần tạo việc làm cho gần 4.800 lao động; giúp hơn 4.000 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Hơn 3.600 hộ vùng khó khăn có vốn sản xuất kinh doanh; 111 hộ có điều kiện xây dựng, sửa chữa, mua nhà ở xã hội; 18 doanh nghiệp được vay vốn trả lương ngừng việc cho 3.775 lượt người lao động… Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hoàn thành tốt 6/19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đóng góp quan trọng hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
“Với những kết quả nói trên, có thể nói, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả rất tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân, người nghèo và các đối tượng chính sách khác”, đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nói.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý vốn
Bước vào năm 2022, bên cạnh những thuận lợi là tình hình dịch trong nước và tỉnh ta cơ bản được kiểm soát, kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng trở lại; nhưng dự báo tiếp tục sẽ có những khó khăn, dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội tỉnh và đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, những người gặp khó khăn.
“Để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, ngay từ đầu năm, NHCSXH Phú Yên đã chủ động xây dựng kế hoạch nguồn vốn cho vay, không để bất kỳ trường hợp nào đủ điều kiện mà không được vay vốn. Chủ động tranh thủ nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn địa phương để tăng cường nguồn vốn cho vay. Giải ngân kịp thời, triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2022, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn theo hướng phát triển ổn định bền vững”, ông Hồ Văn Thục cho biết.
Theo đồng chí Lê Tấn Hổ, để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là chủ tịch UBND cấp xã cần tăng cường vai trò chỉ đạo giám sát, kiểm tra trong việc triển khai và xử lý các tồn tại, vướng mắc tại địa phương. Chính quyền cơ sở phải giám sát chặt chẽ công tác bình xét cho vay, hướng dẫn sử dụng vốn vay hiệu quả; rà soát bổ sung kịp thời vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách để sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
NHCSXH Phú Yên cần tích cực phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền cơ sở, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn tăng cường thông tin tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách, hiệu quả nguồn vốn cho vay, các mô hình hộ vay vốn làm ăn hiệu quả đến người dân. Chủ động kiểm tra, giám sát, quản lý theo dõi chặt chẽ nguồn vốn cho vay trên địa bàn; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực…
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ |
LÊ HẢO