Thực hiện Chương trình 134, từ năm 2005 đến nay, Phú Yên đã giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh xoá được 1490 nhà ở tạm, nhà dột nát, hỗ trợ 0,62 ha đất ở cho 31 hộ, cấp 63,3 ha đất sản xuất cho 183 hộ, đào 178 giếng cùng 7 công trình nước tập trung với tổng vốn đầu tư gần 13 tỷ 300 triệu đồng. Năm 2006 với nguồn kinh phí 10 tỷ đồng của Trung ương, tỉnh đã phân bổ cho các huyện tiếp tục thực hiện Chương trình này gồm hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 716 hộ, 26 ha đất ở cho 1302 hộ, gần 600 ha đất sản xuất, xây dựng 4 công trình nước sạch và 20 giếng đào.
Tuy nhiên, theo đánh giá các cơ quan chức năng khi chương trình 134 kết thúc vào cuối năm nay, Phú Yên chưa thể giải quyết đất sản xuất và nước sinh hoạt như mục tiêu đề ra. Theo đó, đến cuối năm nay tổng kinh phí thực hiện đầu tư cho nước sinh hoạt là 5 tỷ 352 triệu đồng, chỉ đạt 33,7% kế hoạch và đất sản xuất chỉ thực hiện 663 ha, đạt 58% so với kế hoạch là 1.139 ha.
Nguyên nhân chính dẫn đến không đạt mục tiêu là phần đối ứng 20% của địa phương chưa có, ngoại trừ phần kinh phí 1 tỷ 490 triệu đồng hỗ trợ cho đồng bào dân tộc xoá nhà ở tạm (mỗi hộ trong diện xoá nhà ở tạm được hỗ trợ 5 triệu đồng từ chương trình 134 và 1 triệu đồng từ Quĩ xoá nhà ở tạm của tỉnh); tổng kinh phí Trung ương hỗ trợ cũng chỉ đạt hơn 60% so yêu cầu của chương trình là 33 tỷ 014 triệu đồng. Ngoài ra, định mức kinh phí cho việc san ủi, cải tạo đất để cấp cho đồng bào là 5 triệu đồng/ha, trong khi thực tế chi phí lên 10 triệu đến 15 triệu đồng/ha.
Mới đây, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đến Phú Yên kiểm tra thực hiện chương trình 134 đã cho biết việc địa phương chưa huy động 20% vốn đối ứng là không nâng cao ý thực tự lực mà còn tạo tâm lý ỷ lại trong đồng bào; đồng thời nếu không giải quyết tốt đất sản xuất, tình trạng phá rừng lại xảy ra.
THẾ LẬP