Sau đợt tiêu thụ mạnh dịp tết vừa qua, lúc này người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tập trung tái đàn sản xuất. Việc chọn giống và vệ sinh thú y đang được người chăn nuôi đặc biệt quan tâm để ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra trong vụ mới.
Tập trung tái đàn
Trước tết, bò bật tăng giá khá mạnh nên các hộ nuôi bò xuất bán nhiều. Ông Nguyễn Văn Sáu ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho biết: Giáp tết, giá bò đột ngột tăng sau một thời gian dài giảm mạnh do dịch COVID-19 nên gia đình tôi xuất bán hết 3 con bò thịt được gần 140 triệu đồng. Số bò này vợ chồng tôi nuôi đã hơn 1,5 năm, nhưng thương lái chỉ trả 100 triệu đồng (thời điểm tháng 1/2022) nên chưa bán. Nhờ vậy mà khi bán trước tết, chúng tôi kiếm thêm được 40 triệu đồng. Hiện vợ chồng tôi đặt cọc mua lại 3 bê con giống 3B với giá 70 triệu đồng, chờ ngày tốt thì nhập chuồng.
Theo bà Nguyễn Thị Kỵ ở xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa), giá bò giống đang giảm so với năm ngoái, khoảng 20 triệu đồng là có thể mua 1 bê lai giống 3B hoặc lai Pháp 6 tháng tuổi được nhập về từ các trại giống uy tín ở miền Nam. Bê giống sinh sản tại địa phương chỉ khoảng 15-17 triệu đồng/con, giảm khoảng 5 triệu đồng/con so với năm ngoái. “Dù giá bê giống ở các trại giống uy tín cao hơn hẳn, nhưng gia đình tôi vẫn chọn mua vì con giống có thể trạng tốt, nuôi mau lớn hơn hẳn”, bà Kỵ nói.
Tương tự, từ sau tết đến nay, những hộ nuôi heo cũng tái sản xuất. Bà Trương Thị Loan ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) cho biết: Do trại nuôi của gia đình rộng nên ngay sau khi xuất xong 14 con heo thịt bán trong dịp tết vừa qua, gia đình tôi đã thả nuôi lại 12 con heo giống khác. Đến nay, lứa heo này nuôi được gần 1 tháng. Cũng nhờ nhập giống sớm nên tôi mua được con giống với giá khá mềm, chỉ 55.000 đồng/kg hơi.
Hiện nay, nhu cầu tái đàn sản xuất của người chăn nuôi tăng nên giá heo giống cũng tăng lên khá nhiều. Theo ông Trần Văn Quang ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An), sau khi cho chuồng nghỉ và xử lý vôi bột, gia đình ông thả lứa heo mới với 10 con giống. Vừa rồi ông Quang mua heo giống với giá 65.000 đồng/kg, tổng chi phí lứa giống này gần 15 triệu đồng.
Chú trọng phòng dịch
Khi bà con đang tập trung cho vụ sản xuất mới, việc vận chuyển, mua bán con giống, nhập đàn tăng cao nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh cũng tăng theo. Để bảo toàn đàn vật nuôi, hạn chế dịch bệnh phát sinh, các hộ chăn nuôi đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng dịch.
Theo ông Lê Văn Tám ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), chăn nuôi heo đang ở giai đoạn khó khăn nhất khi giá thức ăn tăng cao, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trong khi giá bán ra lại thấp, hiện chỉ khoảng 55.000-57.000 đồng/kg hơi. Vì vậy để duy trì được nghề nuôi, bà con phải tính toán rất kỹ ở các khâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác phòng dịch nhằm bảo toàn đàn vật nuôi. “Trại heo gia đình tôi luôn kiểm soát chặt đầu vào từ con giống đến nguồn nước và thức ăn. Đồng thời đàn nuôi luôn được tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch theo quy định, việc vệ sinh thú y cũng được thực hiện định kỳ hàng tuần”, ông Tám cho biết.
Còn ông Trần Văn Bình ở xã An Hiệp (huyện Tuy An) cho hay: Những năm gần đây, tháng Giêng hàng năm là thời điểm nhiều loại dịch bệnh phát sinh trên đàn bò, nhất là bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Vì vậy, để phòng dịch bệnh, tôi đã chủ động tiêm phòng các loại vắc xin ngừa lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho cả đàn. Riêng 2 bê con mới mua về, tôi cho nhốt cách ly ở chuồng riêng để theo dõi, kiểm tra sức khỏe, nếu qua 1 tháng vẫn khỏe mạnh thì mới cho nhập đàn.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, người dân địa phương đang tập trung tái đàn cho vụ mới sau khi xuất bán hết gia súc vào trước tết. Thời điểm này, huyện tăng cường kiểm soát việc mua bán, vận chuyển động vật trên địa bàn để hạn chế dịch bệnh phát sinh.
Hiện nay, thời tiết đang vào giai đoạn chuyển mùa, cộng với nhu cầu tái đàn sản xuất của người dân tăng nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh ở vật nuôi là rất cao. Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh, người chăn nuôi cần tuân thủ nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học tương ứng với việc kiểm soát chất lượng con giống, tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại và xử lý chất thải đúng quy định…
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh |
THỦY TIÊN