Từ ngày 1/2/2022 (tức mùng 1 Tết Nhâm Dần), người dân khi mua hàng hóa, dịch vụ sẽ được Chính phủ “lì xì” 2% tiền mua. Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP về giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống còn 8%.
Theo các chuyên gia, thuế GTGT là sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống người dân. Việc giảm thuế này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân mà cả doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.
Nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế
Trong ngày làm việc cuối cùng của năm Tân Sửu vừa qua (28/1/2022), ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Cục Thuế Phú Yên đã có công văn gửi các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thông báo về việc miễn, giảm thuế theo nghị định này.
Cụ thể, Nghị định 15 quy định giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% xuống 8%, trừ các hàng hóa, dịch vụ viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt…
Chính sách giảm thuế GTGT áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không phân biệt phương pháp tính thuế khấu trừ hay tính tỉ lệ phần trăm trên doanh thu. Cơ sở kinh doanh áp dụng phương pháp khấu trừ, khi lập hóa đơn GTGT cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “8%”; tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn GTGT, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế GTGT đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn GTGT.
Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu, khi lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỉ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm... (số tiền) tương ứng 20% mức tỉ lệ % để tính thuế GTGT theo Nghị quyết 43/2022/QH15”.
Theo Cục Thuế Phú Yên, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT thì không được giảm thuế này.
Thúc đẩy nền kinh tế phục hồi
Thuế GTGT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Tuy vậy, khi thuế giảm, không chỉ người tiêu dùng hưởng lợi mà người bán cũng gián tiếp được hưởng lợi từ chính sách, vì sức mua sẽ tăng lên. Từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; giúp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mẫn ở phường 7, TP Tuy Hòa cho biết: Khi nghe thông tin Chính phủ đồng ý giảm thuế suất thuế GTGT nhiều nhóm hàng hóa dịch vụ từ 10% xuống còn 8%, tôi rất mừng. Bình thường gia đình tôi chi khoảng 10 triệu đồng cho các khoản ăn uống, sinh hoạt thì số tiền thuế phải trả khoảng 1 triệu đồng. Nay, khi thuế suất thuế GTGT giảm xuống còn 8%, số tiền phải trả mỗi tháng còn 800.000 đồng, tiết kiệm được 200.000 đồng. Mức giảm này tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa đối với người dân trong bối cảnh thu nhập của nhiều người bị giảm sút do tác động của đại dịch COVID-19.
Còn theo anh Lê Phi Hơn, quản lý nhà hàng Phú Anh (thuộc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Ngọc Phú Anh, TP Tuy Hòa), trong 2 tháng cuối năm 2021, Nhà nước có chính sách giảm 30% thuế GTGT. Năm nay, Chính phủ tiếp tục giảm thuế suất thuế GTGT với mức giảm tương ứng là 20%, nhằm khuyến khích người dân mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Về phía nhà hàng, đơn vị sẽ tăng cường chạy các chương trình quảng cáo, khuyến mãi, thông tin về việc giảm thuế để khách hàng biết điều này.
Đại diện Cục Thuế Phú Yên cho biết, mới đây, Tổng cục Thuế đã nâng cấp phần mềm lập hóa đơn đáp ứng quy định giảm mức thuế GTGT tại Nghị quyết 43/2022/QH15. Theo đó, Tổng cục Thuế bổ sung mức thuế suất 8% (tương tự như mức thuế suất 5%, 10%) để người sử dụng lựa chọn khi lập hóa đơn trực tiếp trên hệ thống của cơ quan thuế. Đồng thời tiếp nhận dữ liệu hóa đơn áp dụng thuế suất 8% đối với hóa đơn không trực tiếp trên hệ thống của cơ quan thuế.
Đối với người nộp thuế lập hóa đơn theo khuyến nghị thành phần dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định tại Thông tư 32/2011/TT-BTC và công cụ hiển thị nội dung hóa đơn đối với các hóa đơn được lập theo khuyến nghị của Tổng cục Thuế, Tổng cục Thuế cũng đã nâng cấp ứng dụng để bổ sung mức thuế suất 8% và hiển thị nội dung đối với hóa đơn áp dụng thuế suất 8%.
Khi nghe thông tin Chính phủ đồng ý giảm thuế suất thuế GTGT nhiều nhóm hàng hóa dịch vụ từ 10% xuống còn 8%, tôi rất mừng. Mức giảm này tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa đối với người dân trong bối cảnh thu nhập của nhiều người bị giảm sút do tác động của đại dịch COVID-19.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mẫn ở phường 7, TP Tuy Hòa |
VIỆT AN