Thứ Hai, 07/10/2024 01:27 SA
Thị trường tiền tệ 6 tháng cuối năm:
Ưu tiên đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu
Thứ Sáu, 11/07/2008 10:00 SA

Để bảo đảm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ trong 6 tháng cuối năm; tập trung vốn tín dụng ưu tiên cho xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hiệu, Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên, cho biết:

 

ngan-hang-080711.jpg

Tuy lãi suất cho vay tăng nhưng các ngân hàng thương mại vẫn thu hút nhiều khách hàng – Ảnh: Q.THUẦN

 

- Thực hiện chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, từ đầu năm 2008, chi nhánh NHNN Phú Yên đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt, nhằm kiềm chế tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng với nhiều giải pháp đồng bộ như: nâng tỉ lệ dự trữ bắt buộc, tăng khối lượng bán tín phiếu trên thị trường mở, thay đổi cơ chế điều hành lãi suất, điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn. Yêu cầu các ngân hàng thương mại (gọi tắt là các tổ chức tín dụng – TCTD) không được thu phí liên quan đến hoạt động cho vay... Những chính sách này của NHNN đã tạo nên hành lang lãi suất phù hợp, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, từng bước bảo đảm lãi suất “thực dương” cho người gửi tiền góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy thị trường tín dụng – tiền tệ 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp, nhưng nguồn vốn của hệ thống ngân hàng đầu tư cho nền kinh tế Phú Yên đạt trên 5.100 tỉ đồng, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

 

* Hiện nhiều doanh nghiệp và cá nhân đang rất khó tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

 

- Đúng là vay tiền thời lạm phát có khó, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ngân hàng “đóng cửa” không cho vay. NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cho vay những lĩnh vực có rủi ro cao như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng… Các lĩnh vực khác vẫn đầu tư bình thường, trong đó ưu tiên vốn cho đầu tư xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn; thực hiện có hiệu quả chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, học sinh – sinh viên. Bằng chứng là tổng nguồn vốn đầu tư toàn hệ thống ngân hàng vào nền kinh tế Phú Yên tăng 19,38% so với đầu năm.

 

* Sau khi NHNN tăng lãi suất cơ bản lên 14%/năm, nhiều NHTM liên tục đưa ra biểu lãi suất huy động gần sát với lãi suất cho vay. NHNN đã có biện pháp gì để “kiềm cương”, thưa ông?

 

- Tuy lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam (VND) của các NHTM trên địa bàn Phú Yên liên tục biến động theo lãi suất cơ bản nhưng bình quân vẫn dưới 17,5%/năm nên không có trường hợp nào phải báo cáo phương án kinh doanh phù hợp với lãi suất huy động. Để lãi suất huy động VND tiếp tục ổn định, chi nhánh NHNN tại Phú Yên đang tiến hành kiểm tra, rà soát các mức huy động vốn tại các NHTM và sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết đối với trường hợp nào vi phạm.

 

* Còn về quản lý ngoại hối và điều hành tỉ giá trong thời gian tới thì sao?

 

- NHNN đã chỉ đạo các TCTD cung ứng đủ vốn và ngoại tệ cho nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Gần đây, trước những biến động tỉ giá giữa VND với đôla Mỹ (USD) trên thị trường tự do, NHNN chi nhánh tại Phú Yên đã kịp thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Qua đó, điều chỉnh tăng biên độ cho tỉ giá giữa VND/USD lên 2% theo tỉ giá bình quân liên ngân hàng. Đi cùng với việc mở rộng biên độ tỉ giá, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải niêm yết giá, mua – bán USD đúng với giá NHNN công bố; không được dùng đồng tiền thứ ba để tính ra tỉ giá VND/USD gây xáo trộn và không trung thực về tỉ giá; không được thu thêm phí liên quan.

 

bidv-3-080711.jpg
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng đầu tư - Phát triển Phú Yên - Ảnh: Q.THUẦN

 

* Để góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát, NHNN chi nhánh tại Phú Yên thực hiện những giải pháp gì trong 6 tháng cuối năm?

 

- Tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng linh hoạt để, vừa góp phần kiềm chế lạm phát, vừa giữ ổn định thị trường tiền tệ, ổn định kinh tế. Kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng của cả năm 2008 không vượt quá 30%, đồng thời bảo đảm khả năng thanh khoản cho các NHTM. Điều hành tỉ giá linh hoạt trong phạm vi biên độ cho phép; tăng cường bán ngoại tệ cho các NHTM để đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế, nhất là cho xuất khẩu và các mặt hàng thiết yếu, hạn chế tình trạng đầu cơ.

 

Hướng đầu tư tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao và nông nghiệp – nông thôn; cho vay xuất khẩu; hạn chế đầu tư vào những lĩnh vực phi sản xuất. Chú trọng cho vay đối với hộ nghèo, học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác. Tập trung thanh tra, giám sát toàn diện các NHTM về các lĩnh vực bất động sản; kinh doanh giấy tờ có giá, cho vay tiêu dùng; kinh doanh ngoại hối, kinh doanh vàng… nhằm nâng cao chất lượng tín dụng.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Đến thời điểm này, tổng huy động vốn tại địa phương của hệ thống ngân hàng trên địa bàn Phú Yên đạt 2.815 tỉ đồng, tăng 22,60% so với đầu năm, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Trong đó, huy động tiền gửi tiết kiệm, kỳ phiếu, trái phiếu chiếm 70% tổng huy động. Không chỉ tốc độ huy động vốn tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt mức 19,38%. Hiện tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng trên địa bàn Phú Yên đạt 5.174 tỉ đồng, tăng 840 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó, tín dụng thương mại đạt 4.591 tỉ đồng, còn lại là tín dụng chính sách.

 

QUANG THUẦN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek