Thứ Hai, 07/10/2024 09:20 SA
Giảm một triệu nông dân mỗi năm, có khả thi?
Thứ Bảy, 05/07/2008 13:07 CH

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát, trong giai đoạn 2008-2020, bình quân mỗi năm, các cơ sở giáo dục, dạy nghề phải đào tạo 1-1,1 triệu lao động nông thôn, nhằm giảm số lao động ở nông thôn từ 25 triệu hiện nay xuống còn 17 triệu vào năm 2020. Liệu kế hoạch đào tạo và cắt giảm lao động trong nông thôn có thành hiện thực?

 

hnd-080705.jpg

Đào tạo nghề may công nghiệp cho con em các gia đình nông dân tại Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề Hội Nông dân Phú Yên - Ảnh: N.L

 

HƠN 83% LAO ĐỘNG NÔNG THÔN CHƯA QUA ĐÀO TẠO

 

Theo một điều tra vừa được công bố, hiện nay chúng ta có thể xuất khẩu được 3 triệu lao động. Với 3 triệu lao động này, nếu một tháng mỗi người tiết kiệm được 200 USD thì có thể mang lại cho đất nước 7,2 tỉ USD/năm, tương đương với lượng tiền khổng lồ mà kiều bào gửi về nước hiện nay (cũng gần xấp xỉ bằng kim ngạch xuất khẩu nông sản trong những năm gần đây). Thế nhưng, hàng triệu lao động nông thôn này đâu có được đào tạo nghề để có thể đi xuất khẩu lao động được.

 

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, trong giai đoạn 2000 – 2005, có tới 20% số lao động chưa biết chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học. Do đó, tỉ lệ lao động ở nông thôn được đào tạo từ cấp độ công nhân kỹ thuật đến cao đẳng, đại học ở giai đoạn này chỉ đạt khoảng 16,88%, còn lại 83,12% chưa được qua đào tạo. Nông dân qua tập huấn, đào tạo về khuyến nông, lâm, ngư nghiệp cũng mới chỉ đạt 17,67%. Đây cũng chính là những thách thức chủ yếu đối với mục tiêu của Bộ NN&PTNT đặt ra đến năm 2020, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp ở nông thôn đã qua đào tạo đạt 60% và lao động nông nghiệp được đào tạo là 40%.

 

SẼ CẤP HỌC BỔNG CHO MỘT TRIỆU CON EM NÔNG DÂN?

 

Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, hiện nay nước ta có hơn 25 triệu lao động trong nông nghiệp chiếm 55,7% tổng số lao động của cả nước và mỗi năm lại có thêm khoảng 600.000 người đến độ tuổi  lao động. Trong khi đó, đến năm 2020 - thời điểm nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, số lao động nông nghiệp chỉ còn khoảng 17 triệu người. Tính ra mỗi năm, sẽ phải có hơn một triệu lao động ở nông thôn cần được đào tạo để chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp. Cụ thể, số lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp cần được đào tạo là 600.000 người/năm; lao động chuyển đổi sang lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp khoảng 440.000 người/năm; cán bộ làm việc tại nông thôn 60.000 người/năm. Tuy nhiên, hiện năng lực đào tạo của các cơ sở trong cả nước mới đáp ứng được 600.000 – 700.000 lao động/năm, trong đó bao gồm cả những lớp tập huấn tại các trung tâm, những khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp… Bên cạnh đó, tâm lý chung của nhiều lao động nông thôn là không muốn làm nông nghiệp; các cơ sở đào tạo lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đặc biệt là cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo nghề đối với con em nông dân, dân tộc miền núi, gia đình đặc biệt khó khăn… 

 

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát kiến nghị: “Mỗi năm, cần cấp học bổng cho một triệu con em nông dân, xây dựng các chương trình đào tạo cán bộ xã, cán bộ hợp tác xã, giáo viên dạy nghề nông, tăng kinh phí cho dạy nghề, nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia cho giáo dục, tăng ngân sách cho đào tạo nông dân ngắn hạn…”.

 

SẼ THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG DÂN?

 

Phó Thủ tướng NGUYỄN THIỆN NHÂN:

 

“Đào tạo nguồn nhân lực là khâu đột phá cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, xét về khả năng, chúng ta không thể đào tạo hết nông dân nên nếu đến năm 2020 chúng ta còn 17 triệu nông dân thì ta phải đào tạo được một triệu nông dân tiên tiến để từ một triệu nông dân này lan tỏa ra những nông dân còn lại”.

Giáo sư, viện sĩ Đào Thế Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn, cho biết hiện ông đang liên hệ với một số trường đại học ở trong nước để thành lập trường đại học nông dân. Giáo sư Tuấn lý giải: “Nếu tính sinh viên/đầu người, tỉ lệ này của Việt Nam cao gấp hai lần so với Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả những người đã tốt nghiệp ra trường, phần lớn lại không kiếm được việc làm trong khi tỉnh nào cũng muốn lập thêm trường. Chính vì thế, tôi dự định thành lập trường đại học chủ yếu đào tạo nghề cho người nông dân”. Theo giáo sư Đào Thế Tuấn, có hàng chục ngành dịch vụ ở nông thôn có thể đào tạo cho nông dân. Chẳng hạn, dịch vụ xây dựng thị trường, thương hiệu, quản lý chất lượng (trong đó có rau sạch, thịt sạch…), dịch vụ tổ chức nông dân, tổ chức hợp tác, dịch vụ du lịch, dịch vụ môi trường, đào tạo nghề cho các làng nghề... Giáo sư Tuấn cho biết: “Dự định, trường đại học nông dân sẽ giảng dạy tất cả những dịch vụ này cho nông dân, thậm chí cho cả những cán bộ lãnh đạo, tổ chức của nông dân”.

 

TNVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek