Thứ Ba, 08/10/2024 05:23 SA
Xây dựng nhà máy lọc hóa dầu:
Đảm bảo an ninh năng lượng
Thứ Hai, 23/06/2008 13:36 CH

Trong khoảng 10 năm nữa, dân số nước ta khoảng 100 triệu người, với mức tiêu thụ xăng dầu bằng với mức trung bình hiện nay của thế giới thì đến năm 2010, Việt Nam cần khoảng 70 triệu tấn, trong khi xăng dầu khai thác trong nước chỉ đạt 31 triệu tấn. Như vậy, mặc dù vẫn chấp nhận phụ thuộc đến 50% vào lượng dầu nhập khẩu, số lượng nhà máy lọc dầu tối thiểu của Việt Nam từ nay đến 2020 cũng không thể ít hơn 3 nhà máy.

 

hoadau-080623.jpg

Không ảnh khu vực xã Hòa Tâm, nơi được quy hoạch cho dự án Hạ tầng KCN Hóa dầu Hòa Tâm và Tổ hợp Hóa dầu Naphtha Cracking – Ảnh: T.LIỆU

 

Xung quanh ta, các nước không có hoặc có rất ít dầu thô như Singapore, Philippines, Thái Lan đều có từ 5 nhà máy trở lên với công suất không những đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, để khai thác tối đa lợi thế công nghệ và nhân lực. Các con số nói trên chỉ mới tính theo nhu cầu sử dụng năng lượng nhưng xã hội hiện đại còn cần đến dầu khí dưới dạng nguyên liệu như nhựa, chất dẻo, đạm, sợi tổng hợp, các chất tẩy rửa, dược phẩm... Theo kết quả nghiên cứu thị trường, đến năm 2010, Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 4,5 triệu tấn nhựa/năm, 4 triệu tấn phân ure/năm và khoảng 700.000 tấn polyester - sợi các loại/năm. Như thế, để đáp ứng cho nhu cầu trong nước, với khoảng 100 triệu dân vào năm 2010, thì rất cần thiết phải xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu.

 

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu trong chiến lược phát triển kinh tế, Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng 3 nhà máy lọc hóa dầu: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự kiến sẽ được vận hành vào tháng 2/2009; Dự án Liên hiệp lọc dầu Nghi Sơn, đã ký kết với các nhà thầu để xây dựng và vận hành vào năm 2013; Dự án Nhà máy lọc dầu số 3 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trước năm 2015.

 

Ông Nguyễn Việt Sơn, Trưởng ban Chế biến - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, cho biết: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xây dựng đề án phát triển đến năm 2015, năm 2025, trong đó mục tiêu cơ bản là đảm bảo nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu. Cụ thể là từ nay đến năm 2010, đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất 2,6 triệu/năm vào hoạt động, đáp ứng 30% nhu cầu trong nước. Giai đoạn 2011-2015 sẽ đưa Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn với công suất 10 triệu tấn/năm và Nhà máy lọc dầu số 3 với công suất 10 triệu tấn/năm đi vào hoạt động. 3 nhà máy lọc dầu sẽ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu trong nước. Đến giai đoạn 2016-2025, Tập đoàn Dầu khí chủ trương mở rộng và nâng cấp Nhà máy lọc hóa Dung Quất, tăng gấp đôi công suất Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy lọc dầu số 3, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu sang Lào, Camphuchia, Thái Lan… Như vậy, đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy lọc dầu Việt Nam có thể lên đến 50-55 triệu tấn/năm. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang chỉ đạo quyết liệt tiến độ xây dựng 3 nhà máy lọc hóa dầu để đi vào hoạt động đúng tiến độ.

 

Năm 2000, Việt Nam nhập 7,533 triệu tấn, năm 2001 là 8,013 triệu tấn, năm 2002 là 8,960 triệu tấn, năm 2003 là 9,841 triệu tấn và năm 2004 là 12 triệu tấn; những năm gần đây, số lượng xăng dầu nhập khẩu tăng nhanh hơn.

Có ý kiến lo ngại rằng, nước ta đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, vấn đề cạnh tranh về phân phối các sản phẩm sẽ ngày càng trở nên gay gắt. Nhà máy lọc dầu của các nước phần lớn đã hết thời kỳ khấu hao cơ bản nên giá sản phẩm rẻ, do đó, đối với những nhà máy mới xây dựng như ở Việt Nam thì lợi nhuận sẽ giảm đáng kể. Tôi thì cho rằng, các nhà máy lọc dầu trên thế giới đã đưa vào vận hành từ lâu, nhưng với yêu cầu khắt khe của thị trường, và với giá dầu thô ngày càng cao, các nhà máy này cần đầu tư một số tiền lớn để nâng cấp nhà máy, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường. Các nhà máy lọc dầu Việt Nam xây dựng sau, được áp dụng công nghệ hiện đại sẽ sản xuất ra những sản phẩm chất lượng với chi phí thấp nhất.

 

Theo ông Sơn, trong quá trình vận hành sẽ áp dụng phương pháp tiên tiến để tăng thời gian vận hành nhà máy, giảm thời gian bảo dưỡng, sửa chữa, giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành, giảm chi phí vận hành. Việc ưu tiên cung cấp cho thị trường nội địa cũng giúp làm giảm chi phí vận chuyển. Thêm nữa, Nhà nước Việt Nam có chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư trong giai đoạn đầu vận hành. Với những lý do đó, nhất định các nhà máy của Việt Nam sẽ cạnh tranh được với các nhà máy lọc hóa dầu trên thế giới.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek