Trong kháng chiến, Sơn Hòa đã hứng chịu nhiều đạn bom của kẻ thù. Là yết hầu, mạch máu giao thông nối Quốc lộ IA với Tây Nguyên nên trong suốt những năm tháng chiến tranh khói lửa, vùng đất này luôn có sự giằng co giữa ta và địch. Tên đất, tên làng nơi đây gắn liền với những chiến công. Ở huyện miền núi này, địch đã cho xây dựng các đồn: EaNu, Bà Là, Cheo Reo nhằm quản lý cả trục đường từ Gia Lai về thị trấn Sơn Hòa. Tháng 3-1953, chúng ta quyết tâm bằng mọi cách phải xóa sổ đồn và nhiệm vụ ấy được giao cho đại đội 380 thuộc Trung đoàn 84. Với phương cách đánh “bao vây, vu hầu, thọc sâu, chia cắt” sau một ngày đêm chúng ta đã phá được đồn, diệt 200 tên giặc, bắt sống 50 tên giặc, thu giữ một số lượng vũ khí, khiến địch phải co cụm về Gia Lai. Cái chết của những căn cứ ấy giáng một đòn đau bất ngờ vào quân địch. Quân và dân ta đã mở toang “cánh cửa thép” mà địch hí hửng cho là vững chắc nhất.
Bà con dân tộc thiểu số huyện Sơn Hòa vui mừng chào đón lễ khởi công - Ảnh: Đoàn Pháp |
Sau trận đánh đó, các căn cứ đầy thép gai và bom mìn của đế quốc Mỹ còn nằm trên đất Sơn Hòa tiếp tục bị tiêu diệt cho đến khi sạch hẳn bóng quân thù. Theo các già làng, Sơn Hòa hôm nay khác xa với 31 năm trước. Điện, đường, trường trạm đã về các xã. Hai xã xa nhất huyện là Cà Lúi và Phước Tân trước kia đi cả ngày chưa đến nơi thì bây giờ chỉ chừng hơn tiếng đồng hồ đi ô tô là đến. Bên những ngôi nhà sàn vững chãi là những ngôi nhà xây khang trang. Thế mạnh của Sơn Hòa vẫn là cây mía. Với diện tích trên 7.500 ha, năng suất bình quân 50 tấn/ha, đã giúp cho bao người dân vươn lên thoát đói, giảm nghèo. Nước của dòng sông Ba và sông Cà Lúi đã về các cánh đồng, tạo điều kiện cho những người con của buôn làng như Ma Meo (xã Suối Trai), Ma Tý (xã Ea Chà Rang) trở thành những nông dân sản xuất giỏi, thu nhập bình quân hằng năm từ 30 – 50 triệu đồng.
Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Trương Phước Cường cho biết: Mấy năm vừa qua, Đảng bộ huyện chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phá thế độc canh, đồng thời phát động toàn dân tích cực làm thủy lợi, đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để đưa từng vùng phát triển. Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện giao khoán rừng và đất rừng cho 1750 hộ, với tổng diện tích 32.248 ha, trồng rừng tập trung bình quân hằng năm hơn 740 ha và 100.000 cây phân tán các loại, góp phần đáng kể trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nhờ đó nạn phá rừng đã giảm.
Cuộc sống ở Sơn Hòa đã đổi thay. Trường tầng do nhân dân góp công xây dựng đã mọc lên cho trẻ em rộn bước đến trường. Sơn Hòa có khu vui chơi dành cho thanh thiếu nhi; khu du lịch sinh thái Sơn Nguyên thu hút khá đông du khách trong các dịp lễ… Công trình thủy điện Sông Ba hạ rộn ràng không khí thi công để sớm đưa ánh điện hòa vào điện lưới quốc gia. Rồi đây, bức tranh Sơn Hòa sẽ thêm khởi sắc, như lời Bí thư Huyện đoàn Phạm Anh Tân khẳng định: “Thế hệ thanh niên đi trước đã ghi vào lịch sử những chiến công oanh liệt. Thế hệ trẻ Sơn Hòa hôm nay sẽ phát huy truyền thống trong công cuộc xây dựng quê hương.
VĂN TÀI