Thứ Ba, 01/10/2024 22:36 CH
Làm sao nuôi bò có lãi?
Thứ Hai, 03/04/2006 09:08 SA

Trong khi người dân chưa bỏ được tập quán chăn nuôi cũ, chưa hướng đến nuôi gia súc theo hướng hàng hóa thì việc triển khai chương trình chăn nuôi lại thiếu đồng bộ, thiếu nhân lực, thiếu vốn. Hậu quả: nuôi bò chưa tích lũy được vốn đã thấy lỗ trước mắt.

 

TẬP QUÁN CŨ: CHỈ CÓ LỖ

 

Hơn 85% người dân ở Phú Yên làm nông nghiệp, nhưng nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện chưa tạo được giá trị kinh tế lớn để thu được lợi nhuận cao. Chính vậy, nông dân đã chọn giải pháp tích lũy vốn dài hạn bằng vật nuôi, trong đó chăn nuôi bò là biện pháp khả thi nhất. Nhưng với tập quán chăn nuôi lạc hậu, người nông dân không thể tích lũy vốn bằng cách này mà còn phải chịu thiệt hại.

 

060403-bo.jpg

Nông dân Phú Yên nuôi bò chờ đến khi cần tiền mới bán nên hiệu quả kinh tế không cao - Ảnh: L.Kha

 

Ông Nguyễn Hữu Pháp, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Tây Hòa, nói: “Nông dân Phú Yên nuôi bò lấy phân. Sáng lùa đàn bò đi mấy cây số đến chỗ ăn thì bao nhiêu phần tích lũy được trong đêm để sinh ra thịt đã tiêu hết; chiều lùa về, bò ăn được bao nhiêu cũng bị tiêu hao hết. Nhưng thay đổi tập quán chăn nuôi đó của nông dân là một việc cực khó”. Sở dĩ phải chăn dắt như vậy là vì thiếu đồng cỏ, thiếu thức ăn cho bò. Vì vậy, dễ thấy việc tích lũy vốn bằng vật nuôi là bò để đến khi cần tiền là bán của người nông dân thật ra lại là một kiểu làm ăn “càng làm càng lỗ”: Lỗ tiền vốn, công chăm sóc...

 

Hiện nay, lượng thức ăn cho đàn bò gần 200.000 con của Phú Yên đang thiếu hụt trầm trọng. Theo tính toán của ngành nông nghiệp Phú Yên, diện tích lúa 2 vụ của tỉnh cùng với diện tích cỏ hiện nay chỉ đáp ứng đủ 60% nhu cầu của đàn bò. Với cách chăn nuôi hiện nay, bà con nông dân vẫn để bò từ năm này qua năm khác, đến khi nào cần mới bán.

 

PHẢI CHĂN NUÔI THEO HƯỚNG HÀNG HÓA

 

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Thị Sương: Để nuôi bò có lãi, nhất thiết phải chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tức cần tính toán kỹ lưỡng lượng tiêu tốn thức ăn, công chăm sóc từng ngày và thời gian nào xuất bán là tốt nhất. Bò cần xuất bán khi được 18 tháng tuổi, thời điểm thịt mềm, chất lượng tốt nhất và nông dân đỡ các khoản chi phí khấu hao chuồng trại và công chăm sóc vì sau 24 tháng, bò sẽ không tăng trọng” – bà Sương hướng dẫn và nói thêm: Muốn làm được việc này, nông dân cần trồng thêm có chất lượng cao nhằm chủ động nguồn thức ăn cho bò. Đánh giá cụ thể lượng cỏ có thể có được, lượng thức ăn tinh bổ sung với số lượng bò chăn nuôi tránh trường hợp bò càng nhiều thì càng mừng nhưng đồng cỏ ở đâu thì không biết.

 

Với cách chăn nuôi bầy đàn thì bò giống trong đàn phải được thay đổi trong vòng 2 năm. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều người chăn nuôi bò chưa chú ý nhiều đến vấn đề này. Chương trình phát triển đàn bò thịt Phú Yên được liên tục triển khai bằng các chương trình nâng cấp đàn bò vàng, thụ tinh nhân tạo phối các giống bò có chất lượng tốt với đàn bò Phú Yên. Khi ngành nông nghiệp đưa bò đực giống về để lai tạo đàn bò trong tỉnh, người nông dân nhận bò giống với 50% máu ngoại để phối với bò cỏ, cho ra bê 25% máu ngoại. Nhưng nông dân lại dùng chính con bê đó để lai tạo với bò cỏ, và cho ra bê 12,5% máu ngoại. Sau 3 – 4 lần lai tạo theo cách này, tỉ lệ lai là... bằng không!

 

DỠ BỎ NHỮNG RÀO CẢN KHÁC

 

Tiềm năng kinh tế chăn nuôi đại gia súc của Phú Yên được đánh giá rất cao. Nhưng trên thực tế đến nay tiềm năng vẫn chưa được khai thác đúng cách; tỉnh đã triển khai nhiều chương trình phát triển chăn nuôi xuyên suốt trong thời gian qua nhưng thực hiện thiếu đồng bộ. Thêm vào đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật từ tỉnh đến cơ sở chưa được quy hoạch cụ thể và chưa có chính sách tài chính đủ để thực hiện. Bà Hà Thị Sương cho hay: “Công tác giống hiện nay khi được triển khai xuống tới xã thì bị ách tắc do không có nguồn nhân lực. Việc này gần như khoán cho dẫn tinh viên và những hỗ trợ về nitơ, tinh hiện nay dẫn đến tình trạng dẫn tinh viên có trách nhiệm không cao. Như vậy, cải tạo đàn bò qua cách thụ tinh nhân tạo cũng chưa đạt được kết quả cao nhất”.

 

Từ năm 2002 đến nay, hằng năm ngân sách chi cho công tác giống từ 650 – 940 triệu đồng/năm mà vòng luẩn quẩn vẫn cứ tái diễn, người nông dân không thể làm giàu với con bò.

 

Thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu, kiểm dịch thú y đầy đủ là rất cần thiết. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, các tiêu chí về kiểm dịch động vật, chất lượng sản phẩm là hết sức cần thiết.

 

KHOA THY

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek