Thứ Ba, 08/10/2024 13:50 CH
Để kéo người nông dân về với ruộng
Thứ Ba, 17/06/2008 14:10 CH

Trong khi Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn kiến nghị phải giữ ít nhất 3,9 triệu ha đất trồng lúa trong bối cảnh tốc độ lấy đất lúa chuyển sang mục đích sử dụng khác diễn ra mạnh mẽ thì dường như nông dân lại không thiết tha sản xuất gạo. Giải pháp nào cho an ninh lương thực ở Việt Nam?

 

lua-080617.jpg

Thu hoạch lúa ở xã Hòa An (Phú Hòa) – Ảnh: T.LÊ

 

ƯU TIÊN ỔN ĐỊNH ĐẤT LÚA VÀ THEO DÕI BIẾN ĐỘNG

 

Quy hoạch cụ thể phân bố 3,9 triệu ha sản xuất lúa cho từng địa phương, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ sản xuất lương thực và ổn định sản xuất lương thực cho từng địa phương cấp tỉnh dựa trên một định hướng chiến lược sản xuất lúa của từng vùng sinh thái. Cần tạo điều kiện ổn định để cho nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng nông nghiệp thoái hóa gây lãng phí nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn cần áp dụng các công nghệ hiện đại như GIS, ảnh vệ tinh (hiện nay Việt Nam đã có trạm thu do Chính phủ Pháp tài trợ) để theo dõi diễn biến đất lúa hàng vụ làm cơ sở cảnh báo an ninh lương thực. Một hệ thống quan trắc an ninh lương thực quốc gia cần được hình thành để khắc phục tình trạng trễ thông tin như hiện nay.

 

Hệ thống thông tin thị trường do Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn triển khai ở các địa phương có thể kết hợp để thu thập thông tin về an ninh lương thực. Đây là một hoạt động quan trọng mang tính chiến lược, do vậy nhà nước cần đầu tư thích đáng cả con người được đào tạo và phương tiện đầy đủ để thực hiện. Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề quốc gia, liên bộ do đó cần thành lập Ủy ban an ninh lương thực quốc gia để quản lý và theo dõi các biến động lớn ảnh hưởng đến an ninh lương thực và sản xuất-lưu thông lúa để có chính sách điều chỉnh kịp thời. Chính sách thuộc lĩnh vực này đòi hỏi ngắn hạn và hết sức mềm dẻo để ứng phó với các thay đổi, vì vậy cần có các thể chế cho phép ra quyết định được nhanh chóng.  

 

KẾT HỢP CHUYỂN ĐỔI ĐẤT SANG CÔNG NGHIỆP VỚI HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ CHO NÔNG DÂN

 

Đối với khu vực chuyển đổi nông nghiệp sang công nghiệp cần kết hợp đồng bộ chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân sang phi nông nghiệp, nhằm đảm bảo ổn định thu nhập cho các hộ chuyển đổi, trên cơ sở đó họ sẽ nhượng lại các phần đất nông nghiệp bé nhỏ còn lại cho các hộ khác sản xuất nông nghiệp có hiệu quả hơn.

 

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG GẠO XUẤT KHẨU

 

Giải pháp ở đây cần thiết phải đồng bộ trong ngành hàng: cải tiến tiêu chuẩn trồng lúa theo ba giảm ba tăng, nâng tính cạnh tranh trong xuất khẩu bằng cách giúp nông dân nâng cao chất lượng, đổi mới cách tiếp thị gạo, phát triển quản lý bằng cách tối ưu hóa hệ thống kinh doanh gạo của nông dân - nhà máy xay lúa - nhà xuất khẩu; coi trọng phát triển kho vận và phương tiện kinh doanh nhằm hạ giá trong khâu kho vận và gia tăng hiệu quả phân phối ở thị trường trong, ngoài nước.

 

Trong hệ thống tổ chức này, nông dân được tổ chức thành hợp tác xã (HTX) để tăng vai trò trong chế biến, bảo quản, lưu thông, tránh bị ép giá là hết sức cấp thiết. HTX người sản xuất sẽ giúp nông dân đủ năng lực đảm bảo các hợp đồng với công ty xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước, thì các công ty lương thực cần thống nhất với các HTX về hợp đồng cung ứng gạo trong nước để đảm bảo thường xuyên cho thị trường nội địa.

 

Nhà nước cần thiết nắm thông tin về tình hình lưu trữ lương thực thông qua mạng lưới Hiệp hội sản xuất lúa bao gồm các HTX để điều chỉnh xuất khẩu. Ở cấp quốc gia có thể thành lập nghiệp đoàn hay hiệp hội quốc gia của người sản xuất lúa gạo mà thành viên là hộ nông dân hay là HTX. 

 

CHÍNH SÁCH VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, THỂ CHẾ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG

 

Chính sách cần thiết ưu tiên là sử dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng gạo chế biến, giảm hao hụt sau thu hoạch. Trong thời gian qua đã có công nghệ nhưng chưa được áp dụng do thiếu thể chế điều phối tổ chức trong ngành hàng, dẫn đến ngành hàng không quản lý được chất lượng gạo, không thúc đẩy được việc áp dụng công nghệ. Vì vậy chính sách về sau thu hoạch cần đồng bộ về thể chế và công nghệ kèm theo để lựa chọn. Bên cạnh đó cần tăng cường áp dụng biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp trên diện rộng nhằm tăng hiệu quả chi phí đầu vào trong điều kiện giá đầu vào cao; kết hợp với tối ưu hóa cơ cấu giống để tăng tính bền vững sinh thái vùng là cần thiết. Giải pháp này có thể áp dụng đối với các vùng thâm canh lúa thuộc các điều kiện sinh thái khác nhau trong điều kiện giá vật tư đầu vào tăng nhanh và hiện tượng thiếu nước trong sản xuất lúa nước thường xuyên diễn ra. Đây là giải pháp nhằm giải quyết tính bền vững của hệ thống canh tác, giảm ô nhiễm môi trường.

 

CHÍNH SÁCH ĐIỀU TIẾT GIÁ

 

Nhà nước cần ưu tiên các chính sách thương mại cần thiết để điều tiết giá đầu vào, đặc biệt là phân bón để nông dân yên tâm đầu tư. Hiện nay các công ty nhập khẩu phân bón hầu hết là công ty nhà nước, do vậy khả năng điều tiết  là hoàn toàn có thể. Trong trường hợp cần thiết, có thể dùng ngân sách hỗ trợ nông dân về đầu vào và ưu tiên đặc biệt về tín dụng đầu vào cho lúa. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giúp nông dân tăng khả năng dự trữ lúa gạo mùa vụ là cần thiết để tạo cơ hội cho nông dân có thể hưởng lợi từ giá lương thực tăng cao của thị trường.                      

 

TS ĐÀO THẾ ANH - (VNN)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek