Thứ Ba, 08/10/2024 13:42 CH
Phòng chống dịch tả ở thủy cầm:
Bao vây, dập dịch ngay từ đầu
Thứ Ba, 17/06/2008 14:00 CH

Mặc dù chưa bùng phát thành dịch trên diện rộng, song bệnh tả vịt xuất hiện rải rác tại hầu hết các huyện ở Phú Yên làm chết gần 7.000 con vịt. Đây là loại bệnh do virus gây ra, chưa có thuốc đặc trị, có khả năng lây lan, gây chết nhanh với tỉ lệ 100% đàn bị nhiễm, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi.

 

o-xuan-080617.jpg
Nuôi vịt đàn ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) – Ảnh: LY KHA

 

Theo ông Nguyễn Minh Hòa, Chi cục trưởng Chi cục thú y Phú Yên, hiện nay trong môi trường chăn nuôi ở Phú Yên đang tồn tại virus gây bệnh tả vịt. Lúc thời tiết chuyển mùa, gia cầm  non có sức đề kháng kém rất dễ bị virus này tấn công gây nhiễm dịch bệnh tả. Qua thống kê, hầu hết những đàn thủy cầm bị dịch tả ở Phú Yên từ đầu năm đến nay đều không được tiêm phòng vacxin tả hoặc tiêm không đúng quy trình (chỉ 1 mũi khi vịt được 25 ngày tuổi) nên hiệu giá kháng thể thấp, chỉ ở mức 40-50%, trong khi đó yêu cầu đặt ra là phải đạt từ 70% trở lên.

 

CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG BỆNH TẢ

 

Tại hội thảo phòng chống dịch tả vịt (do Phân viện Thú y miền Trung phối hợp với Chi cục Thú y Phú Yên vừa tổ chức tại ba huyện Tuy An, Đông Hòa, Tây Hòa), tiến sĩ Phạm Hùng, Phó Viện trưởng Phân viện Thú y miền Trung khuyến cáo: Muốn đạt được hiệu giá kháng thể từ 70% trở lên đối với các bệnh thông thường trên đàn thủy cầm, trong đó có dịch tả, người chăn nuôi phải thực hiện đúng quy trình tiêm phòng. Theo đó, đối với vịt nuôi thịt 3- 5 ngày tuổi phải chủng vacxin tả lần một bằng cách nhỏ mắt, nhỏ mũi. Sau 21 ngày tuổi tiêm lại lần 2 bằng cách chích dưới da hoặc chích vào bắp thịt. Khi đó vịt sẽ miễn dịch với bệnh tả. Trường hợp vịt nuôi đẻ, tiêm lần thứ 3 vào ngày thứ 60, trước khi đẻ (tức 5-6 tháng tuổi) tiêm lần thứ 4 và sau đó tiêm định kỳ 6 tháng/lần (trước mỗi vụ đẻ). Phải thực hiện quy trình tiêm phòng nghiêm ngặt thì mới đảm bảo đàn vịt bệnh miễn dịch với bệnh tả.  

 

Ngoài ra, cơ quan thú y cũng khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh trong quá trình chăn nuôi như người chăn nuôi phải thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và kiểm soát con giống chặt chẽ. Con giống phải có nguồn gốc rõ ràng và xuất phát từ đàn bố mẹ không nhiễm bệnh. Chuồng trại phải cách xa khu dân cư, xa các trại chăn nuôi khác, không nuôi nhiều loại gia cầm trong một trại, không nuôi vịt nhiều lứa tuổi khác nhau, thực hiện phương châm “cùng nhập- cùng xuất” để có thời gian tẩy uế chuồng trại, làm gián đoạn sự tồn tại của mầm bệnh trong môi trường. Khi trong vùng có đàn vịt bị bệnh phải thực hiện các biện pháp bao vây, phòng bệnh chặt chẽ để tránh lây lan.

 

Áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch nói trên, ông Võ Phi Hiền ở thôn Phú Mỹ, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) nuôi 2.000 con vịt thịt và khoảng 3.000 con vịt đẻ, cho biết: “Vừa qua tại Hòa Đồng cũng có đàn vịt bị bệnh, tôi đã đưa đàn vịt của mình né khỏi khu vực đó, liên tục vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc, đồng thời cho vịt uống vitammin để tăng cường sức đề kháng và tiếp tục tiêm phòng dịch tả cho cả đàn mới yên tâm”.

 

Vit-080617.jpg
Trước nguy cơ bùng phát dịch tả vịt, các ngành chức năng tăng cường quản lý các đàn thủy cầm - Ảnh: LY KHA

 

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐÀN GIA CẦM

 

Qua kiểm tra của Chi cục Thú y Phú Yên và trạm thú y các huyện cho thấy: Thời gian qua, nhiều đàn vịt bị nhiễm bệnh dịch tả vẫn chuyển đồng và đã lây lan mầm bệnh cho khu vực chăn nuôi vừa chuyển đến. Trong tháng 3/2008, một đàn vịt ở xã Hòa Đồng (Tây Hòa) sau khi bị nhiễm bệnh đã chuyển xuống khu vực đồng chăn thuộc thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông, lây nhiễm và làm chết hơn 1.000 con. Trong tháng 5/2008, một đàn vịt từ huyện Tây Hòa chuyển xuống huyện Đông Hòa cũng lây lan virus gây bệnh tả và làm chết hơn 1.000 con. Mới đây, một đàn vịt của hộ chăn nuôi ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa chuyển đồng xuống khu vực Bình Ngọc, TP Tuy Hòa đã nhiễm virus tả chết hàng loạt, cán bộ thú y phải hỗ trợ chủ hộ chăn nuôi tiến hành chôn lấp, xử lý môi trường, bao vây dập dịch.

 

Thực tế cho thấy, không phải đàn gia cầm nào bị nhiễm bệnh cũng được cán bộ thú y phát hiện kịp thời. Nguyên nhân là địa bàn rộng, trong khi đó người chăn nuôi chuyển đồng không tự giác khai báo, nhất là khi chuyển sang các vùng lân cận trong phạm vi hẹp. Khi đàn vịt bị bệnh không xử lý kịp thời đã làm lây lan bệnh trên diện rộng. Theo ông Nguyễn Văn Sang, người chăn nuôi ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông (Tây Hòa), muốn phát hiện dịch bệnh kịp thời người chăn nuôi phải kiểm soát nhau. Trên một khu vực đồng chăn, bà con biết rõ đàn nào mới chuyển đồng đến. Nếu phát hiện có đàn gia cầm mới ở địa phương khác đến, bà con phải nắm được thông tin đàn vịt này đã tiêm phòng chưa, thời gian tiêm phòng bao lâu, nếu thời gian miễn dịch đã hết thì bà con lập tức báo cán bộ thú y xã để tiêm lại. Trường hợp hộ chăn nuôi đó không chấp hành thì đề nghị trục xuất ra khỏi địa bàn. Nếu trên địa bàn phát hiện đàn nào bị dịch bệnh, nhân dân phải lập tức báo cho cán bộ thú y đến bao vây, dập dịch, tránh để lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại cho nhiều người. Có như vậy mới hạn chế được dịch bệnh.   

 

Ông Nguyễn Minh Hòa cho biết, để ngăn chặn dịch bệnh tái diễn ngành thú y đã tổ chức quản lý chặt chẽ đàn gia cầm. Đối với vịt thả đồng, phải có sổ chạy đồng. Những đàn vịt muốn vận chuyển đến địa phương khác, phải khai báo với chính quyền địa phương, phải có sổ chuyển đồng. Trước khi chuyển ra khỏi huyện hoặc tỉnh đều phải được tiêm phòng vacxin cúm gia cầm hai lần và các bệnh thông thường khác. Nếu trong quá trình vận chuyển mà người chăn nuôi không khai báo, cán bộ thú y phát hiện được, hộ chăn nuôi sẽ bị xử phạt hành chính nặng, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

LÊ BIẾT

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek