Thứ Tư, 27/11/2024 06:42 SA
Nạn khai thác diatomite trái phép:
Giải quyết tận gốc, cách nào?
Thứ Ba, 20/05/2008 13:28 CH

Từ năm 2004 đến nay, tình hình khai thác trái phép quặng diatomite tại An Xuân (Tuy An) diễn ra thường xuyên, cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân, song vẫn không ngăn chặn có hiệu quả vì thiếu giải pháp đồng bộ.

 

080520-diatomite-1.jpg

Người dân phơi khô quặng diatomite ở xã An Xuân – Ảnh: N.TRƯỜNG

 

TÁI DIỄN NẠN KHAI THÁC TRÁI PHÉP

 

Những tháng gần đây, nạn khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép quặng diatomite trên địa bàn huyện Tuy An tái diễn phức tạp. Tại khu vực mỏ diatomite thuộc địa phận thôn Xuân Lộc, xã An Xuân (Tuy An), không chỉ có người dân địa phương mà còn có nhiều người dân từ các nơi khác đến tham gia. Người dân đào quặng ngay trong vườn nhà, đất nương rẫy của mình. Có hộ còn tự ý chuyển nhượng đất có quặng cho tư nhân, để thuê lao động khai thác, có trường hợp lén lút đưa cả phương tiện cơ giới vào khai thác với quy mô lớn. Quặng vừa đào lên có màu gạch, khi phơi khô chuyển sang màu trắng ngà, đóng bao loại 25kg chuyển đi nơi khác tiêu thụ hoặc chế biến thành bột tại chỗ.

 

Quặng diatomite ở An Xuân hầu như nằm lộ thiên, nên việc khai thác rất thuận lợi. Tuy nhiên do khai thác trái phép, người dân chỉ chọn những nơi quặng có chất lượng tốt để khai thác mà không theo một quy trình kỹ thuật nào nên đã tạo ra những hầm hố khắp nơi rất nguy hiểm. Việc đào bới lung tung đó chẳng những làm biến dạng mặt đất, mà còn làm cho đất bị xói mòn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, vận chuyển, chế biến quặng trái phép cũng gây nhiều bức xúc về môi trường, trật tự an toàn xã hội cho địa phương. Đã có không ít trường hợp đấu đá, chặt chém lẫn nhau do tranh chấp diện tích đất có quặng, bị chết hoặc tai nạn thương tâm do sập hầm trong khi khai thác. Kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, trên địa bàn xã An Xuân hiện có 7 điểm khai thác trái phép, trong đó có 3 điểm nằm trong khu vực mỏ do Công ty Cổ phần Khoáng sản Phú Yên quản lý. Tại địa phương có 40 hộ tham gia khai thác quặng, trong đó có cả hộ của cán bộ xã.

 

Theo Chủ tịch UBND xã An Xuân Đặng Thanh Sơn, đối với người dân địa phương tham gia khai thác diatomite, xã mời đến giáo dục, yêu cầu ký cam kết từ bỏ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, họ lén lút hoạt động trở lại. Còn đối với việc vận chuyển quặng trái phép, xã không đủ lực lượng để ngăn cản. Tính ra mỗi ngày có cả trăm tấn quặng diatomite bị mất đi mà xã chẳng được hưởng lợi gì. Việc xử lý nạn khai thác diatomite đã đặt ra nhiều lần, nhưng do không làm đến nơi đến chốn nên cứ tái diễn, xã rất khó giải quyết nên cần có sự trợ giúp của cấp trên. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy An Phan Văn Tấn thừa nhận: “Dưới góc độ tham mưu cho UBND huyện trong lĩnh vực khoáng sản, chúng tôi thấy đây là vấn đề bức xúc. Huyện đã có nhiều cố gắng, nhưng việc ngăn chặn chưa có hiệu quả. Liên tục từ năm 2004 đến nay, năm nào huyện cũng thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra xử lý việc khai thác, mua bán, vận chuyển diatomite trên địa bàn huyện và đã bắt giữ nhiều vụ. Đoàn công tác cũng không thể hoạt động liện tục, nên khi đoàn nghỉ thì người dân lại khai thác”.

 

GIẢI QUYẾT TẬN GỐC, CÁCH NÀO?

 

Những năm qua, tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển trái thép quặng diatomite thường rộ lên vào những tháng mùa khô và các ngành các cấp cũng chỉ thật sự vào cuộc trong thời gian đó. Những giải pháp chủ yếu của xã An Xuân và huyện Tuy An thời gian qua, như đã nêu trên, chỉ là giải pháp tình thế có tính chất thời vụ nên không giải quyết tận gốc. Có ý kiến cho rằng: Căn cứ theo Chỉ thị 17/2006/CT-UBND của UBND tỉnh Phú Yên về việc “Tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh”, thì trách nhiệm đó trước hết thuộc về chính quyền cơ sở. Nếu UBND xã An Xuân thực hiện đầy đủ chức trách, làm tốt công tác quản lý tại gốc, thì sẽ giải quyết có hiệu quả những tồn tại đó.

 

An Xuân là xã miền núi, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Họ sống trên quặng, nhìn người khác đến khai thác lấy đi mà họ không có lợi ích, thì tránh sao họ không lén lút khai thác. Giá trị quặng diatomite thô rất thấp, mỗi bao nặng 25kg chỉ bán được 4.000 đồng. Nếu người dân có việc làm ổn định, thu nhập khá hơn thì  sẽ không tham gia vào những việc làm sai trái đó. Đây là cái gốc cần giải quyết. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Khoáng sản Phú Yên là doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác mỏ diatomite An Xuân trên diện tích 66 ha, nhưng năng lực khai thác và quản lý rất hạn chế. Đến thời điểm này, công ty khai thác trong khu vực chưa đến 10 ha, diện tích còn lại vẫn thuộc về quyền quản lý sử dụng của người dân địa phương, do công ty chưa thực hiện đền bù, thu hồi đất. Ngay cả khu vực do công ty đang quản lý, tổ chức khai thác vẫn có lúc để người dân vào khai thác, bị lấy trộm quặng. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An Nguyễn Phụng Ngoạn cho rằng: “Công ty Cổ phần Khoáng sản Phú Yên chưa có sự phối hợp tốt với chính quyền địa phương, nên chúng tôi không biết nhiều về hoạt động của doanh nghiệp này. Họ tổ chức khai thác như thế nào, thời gian nào, sản lượng bao nhiêu, vận chuyển ra sao, chế biến như thế nào… chúng tôi đều không nắm được. Theo phản ánh của người dân, có trường hợp xe của công ty còn tham gia vận chuyển quặng diatomite của người dân, như vậy chẳng khác nào tiếp tay cho việc khai thác quặng trái phép?”.

 

080520-diatomite-3.jpg
Một điểm khai thác diatomite trái phép ở An Xuân (Tuy An) - Ảnh: N.TRƯỞNG

 

Điều đó cho thấy, nếu Công ty Cổ phần Khoáng sản Phú Yên quản lý được mỏ diatomite theo như giấy phép thì sẽ hạn chế rất nhiều nạn khai thác quặng trái phép. Mặt khác, nếu công ty tổ chức cho người dân địa phương tham gia khai thác quặng, tạo việc làm cho họ cũng sẽ góp phần ngăn chặn nạn khai khác trái phép tận gốc. Thực tế cho thấy, khả năng chế biến, tiêu thụ diatomite của Công ty Cổ phần Khoáng sản Phú Yên không nhiều, nên công ty chưa thể mở rộng quy mô khai thác mỏ. Do vậy, nên xem lại năng lực khai thác của Công ty Cổ phần Khoáng sản Phú Yên, cần thiết thì thu hồi diện tích công ty này không quản lý được giao lại cho đơn vị khác có khả năng quản lý và khai thác hiệu quả hơn, qua đó tạo việc làm cho lao động địa phương.

 

Trong tình hình hiện nay, cái gốc đó chưa được giải quyết thì những biện pháp “tình thế” là cần thiết. Điều đó đòi hỏi chính quyền xã An Xuân nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn của mình, không vị nể, không ngại va chạm trong việc xử lý người dân tham gia vào các hoạt động khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển quặng trái phép. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhất là đối với các cơ sở chế biến diatomite, xử lý các trường hợp tiêu thụ quặng không có nguồn gốc minh bạch. Việc này không chỉ đối với địa bàn huyện Tuy An mà phải tiến hành đồng thời trên phạm vị cả tỉnh Phú Yên. Được biết, quặng diatomite ở An Xuân có trữ lượng rất lớn với khoảng 60 triệu m3. Diatomite được dùng làm chất trợ lọc trong sản xuất công nghiệp, nhưng hiện nay các cơ sở chế biến chỉ sản xuất chất xử lý nước hồ nuôi tôm nên giá trị không cao.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek