Trước đây, khi siêu thị chưa có, chợ là địa điểm mua sắm duy nhất của người dân Tuy Hòa. Từ khi có siêu thị, người dân ở đây bắt đầu có thói quen “đi siêu thị”. Bên cạnh lượng người đi mua sắm thì cũng có một số người đến đây chỉ để “tham khảo” giá cả.
Ngày càng có nhiều người chọn siêu thị làm nơi mua sắm - Ảnh: XUÂN HUY |
ĐỊA CHỈ ĐÁNG TIN CẬY
Siêu thị là một địa chỉ mua sắm văn minh đối với người tiêu dùng. Hàng hóa trong siêu thị thường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, giá được niêm yết. Vì vậy, người mua thoát khỏi cảnh “cò kè bớt một thêm hai” thường thấy ở các chợ, có khi còn bị “chém đẹp”.
Chị Nguyễn Hồng Châu ở đường Phan Đình Phùng (TP Tuy Hòa) nói: Hiện nay, hàng nhái, hàng kém chất lượng chẳng khác mấy so với hàng thật. Khi mua ở chợ, người tiêu dùng khó có thể phân biệt thật, giả. Vào siêu thị mua sắm (nhất là những mặt hàng cao cấp, đắt tiền), tôi cảm thấy yên tâm”.
Siêu thị còn giúp những phụ nữ bận rộn cảm thấy dễ chịu hơn. Chị Trần Thị Thanh Vân, một công chức, bộc bạch: “Ở cơ quan, công việc căng thẳng, bộn bề, trưa về còn phải đội nắng đi chợ mua thực phẩm. Từ khi Tuy Hòa có siêu thị, việc đi chợ của tôi trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều”.
Không chỉ là nơi mua sắm đáng tin cậy, siêu thị còn là nơi vui chơi, giải trí. Anh Trần Minh Nghĩa ở phường 3 (TP Tuy Hòa), nói: “Cuối tuần nào tôi cũng đưa gia đình đến Co.op Mart. Tôi thì xem sách, bà xã mua sắm, các con lại có chỗ vui chơi với bạn bè đồng lứa. Theo tôi, hầu hết những gì người tiêu dùng cần, siêu thị đều đáp ứng được”.
CHƯA THU HÚT NGƯỜI TIÊU DÙNG THU NHẬP THẤP
Hiện nay, khái niệm “đi siêu thị mua sắm” phần nhiều hiện hữu trong suy nghĩ của những người có thu nhập từ trung bình trở lên. Còn những người nghèo thì đi siêu thị chủ yếu là để xem hàng hay mua những mặt hàng giá rẻ kèm theo khuyến mãi.
Trong một lần xuống TP Tuy Hòa, chị Trần Thị Thêm ở xã Sơn Giang (Sông Hinh) được người thân đưa đi siêu thị “tham quan” và mua sắm. Chị cảm thấy rất thích thú khi đi qua hàng chục gian trưng bày với đủ thứ mặt hàng mà những người vốn chỉ quen với các chợ quê chị không thể nào hình dung được. Như nhiều người, chị cũng xách giỏ, nhưng mãi mà chẳng chọn được thứ gì vừa với túi tiền của mình. Chị tặc lưỡi: “Bó cải ngọt này ở ngoài chỉ có 1.500 - 2.000 đồng nhưng trong này có giá 4.200 đồng. Một ký cam Trung Quốc ở ngoài chừng 25.000 đồng là cùng, nhưng ở đây giá niêm yết là 37.000 đồng”. Còn chị Lê Nguyễn Minh Thúy ở phường 4 (TP Tuy Hòa) nói: Tôi rất ít khi đi siêu thị trừ những dịp có đợt khuyến mãi, giảm giá lớn, bởi thu nhập hàng ngày của cả gia đình cộng lại cũng chỉ được 40.000 đồng.
Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Trần Thảo Ly cho biết: Ưu tiên hàng đầu của siêu thị là chất lượng sản phẩm tốt, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Mỗi ngày siêu thị chi gần 1 triệu đồng mua dung dịch, dụng cụ bảo vệ, kiểm tra sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi phải trích 10% doanh số để đóng thuế. Chính vì vậy, giá cả ở siêu thị thường cao hơn bên ngoài. Lúc đầu, người dân chưa quen với việc mua hàng giá chênh lệch so với ở ngoài nhưng dần dần nhiều người, kể cả những người thu nhập thấp cũng sẽ hiểu. Họ mua hàng với giá cao hơn một chút để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, và họ sẽ đến với siêu thị. Cứ hai tuần một lần, chúng tôi luân phiên giảm giá trên tất cả 6 nhóm ngành hàng chính. Việc này cũng nhằm tạo điều kiện và đảm bảo tối đa quyền lợi cho người tiêu dùng, trong đó có người tiêu dùng thu nhập thấp.
HUY HOÀNG