Thứ Ba, 21/05/2024 18:28 CH
Phát triển Tuy An thành đô thị biển - di sản - dịch vụ phức hợp
Thứ Hai, 03/08/2020 13:00 CH

Du khách tham quan làng nghề đan thúng chai tại xã An Dân. Ảnh: CTV

Tuy An là vùng đất có lưu dân từ rất sớm, đa phần dân cư sống bằng trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản. Từ thời Thành hoàng Lương Văn Chánh vào khai khẩn vùng đất Phú Yên (năm 1611), danh xưng Tuy An đã xuất hiện và thuộc huyện Đồng Xuân, phủ Trấn Biên.

 

Đa dạng tiềm năng phát triển

 

Tuy An là huyện có diện tích tự nhiên 40,7km2, dân số 125.725 người; có 15 đơn vị hành chính (gồm 14 xã và 1 thị trấn), với địa hình thấp dần từ tây sang đông; phía tây là đồi núi thấp, phía đông là đồng bằng hẹp ven sông Cái và đầm Ô Loan, xen lẫn núi đồi và cồn cát.

 

Về giao thông, theo hướng bắc - nam có quốc lộ 1 chạy qua dài 15,5km, có ĐT649 là tuyến động lực phát triển kinh tế biển; theo hướng đông - tây có ĐT643 và ĐT645 đấu nối với quốc lộ 19C đi cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa), có ĐT641 đi thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân). Do địa hình đồi núi chia cắt nên các tuyến giao thông qua Tuy An có nhiều đèo dốc: trên quốc lộ 1 có đèo Quán Cau, đèo Tam Giang, có dốc Đài, dốc Bà Ền, còn trên ĐT641 có đèo Thị. Tương lai, Tuy An còn có đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc Nam chạy qua.

 

Về thủy văn có sông Cái, thượng nguồn tên là sông Kỳ Lộ, phía dưới hạ lưu lại tên là sông Ngân Sơn; có đập dâng Hà Yến cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sạch cho thị trấn Chí Thạnh. Ngoài ra, Tuy An còn có sông Đồng Nai, suối Cay, suối Đông Ba, suối Đồng Dài với lưu lượng nước nhỏ; các cửa sông thường bị bồi lấp, mùa mưa thường xảy ra lũ lụt.

 

Bờ biển Tuy An dài 42,5km, từ cửa sông Bình Bá vào đến cửa sông Đồng Nai, với ngư trường rộng, nằm trong vùng đa dạng về thủy hải sản. Dọc bờ biển có nhiều danh lam thắng cảnh như gành Đá Đĩa, đảo Cù Lao Mái Nhà, quần thể Hòn Yến, Bãi Xép; bờ cát trắng nước trong, rừng phòng hộ, ruộng rẫy cây lá xanh tươi. Tại các cửa sông có các làng biển từ lâu đời, có lễ hội cầu ngư, hò bá trạo mang đậm nét văn hóa làng biển Nam Trung Bộ.

 

Tại xã An Nghiệp có đập Đồng Tròn được xây dựng năm 2001-2005 với sức chứa khoảng 18 triệu m3 nước; có thác nước Vực Song ở xã An Lĩnh rất đẹp. Những đập và thác này ngoài chức năng cung cấp nước cho cây trồng vật nuôi, cho các khu dân cư, còn là điểm du lịch hấp dẫn, với những món đặc sản địa phương.

 

Tuy An có mật độ di sản lớn với hơn 50 di tích các loại, trong đó có 8/20 di tích cấp quốc gia, đó là: đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, quần thể Hòn Yến, mộ và đền thờ Lê Thành Phương, nơi xảy ra vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh, địa đạo Gò Thì Thùng, chùa cổ Từ Quang (chùa Đá Trắng), thành An Thổ. Ngoài ra, địa phương này còn có nhiều công trình tôn giáo cổ kính như: chùa Bát Nhã, chùa Cổ Lâm Hội Tôn, chùa Thanh Lương, nhà thờ Măng Lăng, nhà thờ Chợ Mới...

 

Các lễ hội, làng nghề truyền thống ở Tuy An cũng rất phong phú. Điển hình như hội đua ngựa gò Thì Thùng (xã An Xuân), hội đua thuyền đầm Ô Loan, làng nghề đan thúng chai Phú Mỹ (xã An Dân), làng nghề dệt chiếu Phú Tân (xã An Cư), làng nghề bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ). Tuy An có cấu tạo địa chất văn hóa đá, nổi bật nhất là gành Đá Đĩa, bộ đàn và kèn đá Tuy An, làng đá Phú Hạnh (xã An Ninh Đông)...

 

Biển huyện Tuy An thu hút đông đảo du khách. Ảnh: NGUYỄN QUANG

 

Đặc trưng và vóc dáng đô thị

 

Dự báo dân số đô thị Tuy An đến năm 2025 là 140.000, đến năm 2035 khoảng 170.000 người. Khu vực nội thị dự kiến có 11 phường, đó là các phường Chí Thạnh, An Mỹ, An Chấn, An Cư, An Hòa Hải, An Hiệp, An Định, An Thạch, An Dân, An Ninh Tây và An Ninh Đông. Khu vực ngoại thị là 4 xã phía tây: An Nghiệp, An Xuân, An Lĩnh và An Thọ.

 

Viễn cảnh đô thị Tuy An tương lai được xây dựng từ các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh đặc trưng riêng của địa phương và được đặt trong bối cảnh xu thế phát triển của xã hội. Có thể thấy Tuy An trong tương lai là đô thị biển - di sản - dịch vụ phức hợp; với 3 “chìa khóa” đặc trưng là phát huy được thế mạnh, tận dụng được lợi thế liên hệ vùng, lưu giữ được cốt lõi di sản.

 

Trong đó, khu động lực biển với chiều dài 42,5km bờ biển chạy qua 5 phường: An Chấn, An Mỹ, An Hòa Hải, An Ninh Đông và An Ninh Tây. Nội dung là khai thác các danh lam thắng cảnh ven bờ, các đảo; xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, thiên về thấp tầng, xen kẽ cảnh quan núi đồi, vườn cây, mặt nước; nâng cấp mở rộng ĐT649, chỉnh trị các cửa sông Bình Bá, cửa biển Tân Quy và Lễ Thịnh để tàu thuyền ra vào tránh trú bão; mở rộng xây dựng cảng cá Tiên Châu thành cảng tổng hợp và đầu tư du lịch bằng tàu thủy trên biển.

 

Khu đô thị từ đèo Quán Cau trở ra đến TX Sông Cầu, với phường Chí Thạnh là trung tâm, các cơ quan hành chính, ngân hàng, văn hóa xã hội; quy hoạch đầm Ô Loan là công viên trung tâm. Về hạ tầng, mở thêm đường kết nối giữa khu trung tâm với trục động lực biển; tăng cường kết nối ga Chí Thạnh với đô thị; xây kè làm tăng giá trị đất hai bên bờ sông Cái và sông Hà Yến…

 

Khu đô thị từ đèo Quán Cau trở vào đến TP Tuy Hòa, với trung tâm là ngã tư Hòa Đa (giao ĐT643 với quốc lộ 1). Đây là khu vực kho tàng, dịch vụ bến bãi, có chức năng trung chuyển hàng hóa không chỉ cho đô thị Tuy An mà còn cả TP Tuy Hòa và vùng núi Phú Yên; ga Hòa Đa là nơi trung chuyển hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt và ngược lại. Hình thành khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với các ngành có sử dụng nhiều lao động.

 

Khu đồi núi phía tây gồm 4 xã ngoại thị. Tại đây, các công trình công cộng phúc lợi được đầu tư ở các khu trung tâm xã; nhà ở dọc theo tuyến giao thông (dạng đô thị chuỗi), phía trước nhà là đường, phía sau nhà là vườn cây, núi đồi; đề cao đô thị nông, lâm nghiệp xanh bền vững.

 

Các dự án đầu tư vào Tuy An phải đa dạng, nhiều thể loại phục vụ cho đời sống dân sinh đô thị. Các công trình công cộng, nhà ở trong các khu trung tâm xây dựng cao tầng, với mật độ cư trú cao, tạo điểm nhấn cho không gian. Các khu vực khác nhà ở thấp tầng có vườn gắn với cây xanh, mặt nước.

 

Vùng di sản cảnh quan thiên nhiên là đặc trưng của Tuy An. Mật độ di sản cao là những chất liệu tạo dựng nên sự khác biệt cho đô thị và ngày càng có giá trị trong đời sống hiện đại. Do đó cần có thông điệp bảo vệ các di sản, không lấn chiếm, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, không phá vỡ kết cấu, san gạt, chặt phá rừng núi quy mô lớn các vùng cảnh quan thiên nhiên; đầu tư các dự án có chức năng dịch vụ, du lịch sinh thái, văn hóa tại các điểm có di sản. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, hoàn thiện hệ thống giao thông, hình thành các tuyến du lịch, tham quan có tính chất kết nối đồng bộ.

 

Tuy An có núi rừng, đồng bằng, sông biển là những vùng sinh thái rộng lớn có không gian xanh, được coi như các “công viên” tự nhiên. Với tiềm năng phong phú, địa phương này đang phấn đấu hướng đến năm 2025 hình thành một đô thị biển - di sản - dịch vụ phức hợp.

 

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek