Thứ Tư, 27/11/2024 19:26 CH
Kính thuốc: Vàng, thau lẫn lộn
Thứ Tư, 07/05/2008 13:30 CH

Với những người bị tật về mắt (cận, loạn, viễn thị), việc lựa chọn cho mình một cặp kính phù hợp, giá cả phải chăng là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng điều này không dễ chút nào khi thị trường kính thuốc “vàng thau lẫn lộn”.

 

 

080507-kinh-2.jpg

Khách hàng phân vân khi lựa chọn một đôi kính thuốc. - Ảnh: X.HUY

 

KHÔNG BIẾT ĐÂU THẬT, ĐÂU GIẢ

 

Hiện nay trên thị trường, mặt hàng kính thuốc có hơn 150 loại với mẫu mã đa dạng, chất liệu phong phú, từ các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng như: Versace, Gucci, Vogue, Nina Cucci đến những loại kính bình dân. Giá kính thuốc chênh lệch “khủng khiếp”: rẻ thì 60.000 - 180.000 đồng/chiếc, đắt thì lên tới 3 - 7 triệu đồng/chiếc.

 

Anh Vũ Văn Chính, chủ tiệm kính mắt Sài Gòn tại ngã tư Trần Hưng Đạo -  Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) cho biết: “Trung bình mỗi ngày, cửa hàng bán được 25 - 30 chiếc kính có giá từ 150.000 - 360.000 đồng. Với những vị khách cận hay viễn nhẹ, từ 0,75 - 1,25 đi-ốp và eo hẹp về tài chính, có thể chọn cho mình loại kính giá khoảng 240.000 đồng (gọng kính 120.000 đồng, tròng kính 120.000 đồng). Những ai vừa cận vừa loạn thị hay viễn thị nặng nên mua loại tròng kính giá 240.000 đồng mới đảm bảo chất lượng”. Như vậy, để tìm cho mình một đôi kính, khách hàng phải chi từ 240.000 - 360.000 đồng.

 

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là ngoài dòng chữ “kính bán đúng giá”, “kính ngoại, hợp thời trang, giá rẻ”, hầu hết các cửa hàng không niêm yết giá trên sản phẩm mà chủ yếu giá được chủ cửa hàng ấn định bằng… miệng với khách!

 

Khi được hỏi dựa trên cơ sở nào để định giá kính, anh Phương, chủ một tiệm chuyên kinh doanh kính thuốc trên đường Trần Hưng Đạo trả lời hết sức chung chung:  Giá kính cao hay thấp phụ thuộc vào kiểu dáng, thời gian sử dụng, loại hàng đó có được tiêu thụ mạnh trên thị trường hay không. Mỗi tháng nhập cả trăm loại kính khác nhau, thú thật là nhìn vào đó đôi khi tôi cũng chẳng biết cái nào là thật, cái nào là giả nữa(!?)

 

Chị Trần Thị Minh Thủy ở hẻm Lê Trung Kiên (phường 2, TP Tuy Hòa), cho biết: “Hôm trước tôi mua cặp kính ở Trung tâm kính thuốc Sài Gòn với giá 300.000 đồng. Cùng loại đó, một hiệu kính trên đường Nguyễn Huệ chỉ bán với giá 180.000 đồng. Kiểm tra hai chiếc thấy y như nhau, tôi biết mình bị “hớ” nhưng chẳng làm gì được vì khi mua, chủ tiệm đâu có đưa hóa đơn”.

 

Bác sĩ Trần Văn Tý, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên:

“Để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh kính thuốc, sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các  ngành, cấp liên quan tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở kinh doanh mắt kính trên địa bàn tỉnh.

Không chỉ mơ mơ hồ hồ về giá, không ít khách hàng còn cảm thấy hoang mang bởi chất lượng của máy đo thị lực và trình độ của nhân viên cắt kính. Anh Hồ Thanh Hoàng (phường 3), kể: “Bữa nọ, tôi đưa con đi đo thị lực, muốn chắc ăn nên đo ở 3 cơ sở kính mắt khác nhau. Kết quả cũng khác nhau một trời một vực: chỗ thì bảo cả hai mắt cận 2 độ; chỗ thì nói mắt trái cận 2,75 độ, mắt phải cận 3,25 độ; chỗ còn lại bảo mắt trái cận 1,25 độ, mắt phải loạn 1,75 độ. Hoảng quá, tôi liền đưa con  đến Trung tâm Mắt Phú Yên đo thì nhận được kết quả cũng rất khác với 3 cơ sở kia: mắt phải cận 1,25 độ, mắt trái loạn - cận 2,25 độ”. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng cẩn thận như anh Hoàng. Hậu quả là sau một thời gian đeo kính với sai số quá lớn, tình trạng tật về mắt của nhiều người càng nặng thêm và về lâu dài, họ phải đối diện với nguy cơ thoái hóa thị lực…

 

Một thực tế khác đáng lo ngại là việc đo, cắt kính của nhân viên ở nhiều cửa hàng diễn ra rất nhanh, thậm chí có nơi chỉ gói gọn trong vòng 5 - 10 phút. Theo bác sĩ Lê Huỳnh Linh (Sở Y tế Phú Yên), các tật về mắt hầu hết đều liên quan ít nhiều đến sức khỏe của người bệnh. Chính vì vậy, để tránh trường hợp bị nặng hơn, người bệnh phải chọn cho mình một đôi kính đủ tiêu chuẩn, phù hợp, vừa tầm đeo, gọng phải luôn áp sát trên mũi. Khi đo mắt, nhất là từ 8 giờ sáng - 16 giờ chiều, các y, bác sĩ có kinh nghiệm thường cho bệnh nhân ngồi thư giãn khoảng  10 - 15 phút để hạn chế độ quang sai chênh lệch. “Vì vậy, muốn hoàn chỉnh một chiếc kính cho bệnh nhân, mỗi y bác sĩ phải mất từ 30 phút đến 1 giờ, có khi mất đến vài giờ để thực hiện kỹ các thao tác kiểm tra. Thậm chí có trường hợp bị nặng quá phải theo dõi cách ngày nhằm hạn chế tối thiểu rủi ro phát sinh. Chính vì vậy, tôi hết sức lo ngại trước “tốc độ tên lửa” khi đo, cắt kính của một số nhân viên các tiệm kính”- bác sĩ Linh trăn trở.

 

CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÓ BỊ THẢ NỔI?

 

Thông tư số 07/2007/TT - BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 25/5/2007 quy định nghiêm ngặt về việc kinh doanh kính thuốc. Theo đó, mỗi cơ sở kinh doanh phải được bộ này cấp chứng chỉ đảm bảo tiêu chí về trang thiết bị y tế (thiết bị đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt), có hợp đồng lao động 100% thời gian với người đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp y trở lên và đã có thời gian làm công việc chuyên môn tại cơ sở chuyên khoa mắt từ 2 năm trở lên… Tuy nhiên, không phải cơ sở kinh doanh kính thuốc nào trên địa bàn TP Tuy Hòa cũng đáp ứng được tất cả các tiêu chí trên. Ngoại trừ  một số địa chỉ uy tín, có bác sĩ giàu kinh nghiệm tư vấn kiêm việc đo, cắt kính cho khách hàng, nhiều cửa hiệu trương dòng chữ “Đo mắt bằng máy điện tử miễn phí và chính xác tuyệt đối, đảm bảo uy tín và chất lượng” nhưng nhân viên phụ trách đo, cắt kính ở đó còn rất trẻ, chỉ qua vài khóa đào tạo cấp tốc từ 1 - 3 tháng đã trở thành “chuyên gia” về mắt!

 

Việc quản lý các cơ sở kính thuốc còn khá nhùng nhằng bởi thuộc về 3 đơn vị: Sở Công thương (lập hồ sơ, cấp phép), Sở Y tế (thẩm định thực tiễn hồ sơ được cấp phép) và Chi cục Quản lý thị trường (phối hợp với Sở Y tế trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh). Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hưởng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên cho biết: Hiện nay, công tác quản lý kinh doanh kính thuốc rất phức tạp. Khi chúng tôi đi kiểm tra, để tránh bị “chiếu tướng”, nhiều cơ sở giấu kính thuốc, chỉ trưng ra kính mát (không bị quản lý). Dù biết thế nhưng do thẩm quyền bị hạn chế nên chúng tôi cũng không làm gì được trước cảnh “treo đầu dê bán thịt chó” này.

 

Theo lời bác sĩ Lê Huỳnh Linh, để tránh tình trạng các tật ở mắt ngày càng nặng hơn, người bệnh cần đến cơ sở y tế tuyến huyện, thành phố  hay Trung tâm Mắt Phú Yên để được các bác sĩ  tư vấn, khám và điều trị đúng cách.

 

                                                                                                           XUÂN HUY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek