Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2006 -– 2010 đã đề ra những mục tiêu lớn cho kinh tế công nghiệp nhằm đưa tỉnh phát triển và phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp. Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra, ngành công nghiệp có những quyết sách và kế hoạch cụ thể nào? Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên. Ông Cam cho biết:
May mặc – ngành công nghiệp giải quyết được nhiều lao động được chú trọng phát triển trong giai đoạn 2006 - 2010 - Ảnh: Ly Kha |
Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành các chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) như : thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), điểm CN, phát triển làng nghề, hoạt động khuyến công… Đến nay, những cơ chế, chính sách đó đã đi vào cuộc sống, nhờ vậy mà nền kinh tế công nghiệp tỉnh đạt được những kết quả khá tốt, thể hiện ở tỷ trọng GDP công nghiệp/GDP toàn tỉnh đã tăng từ 18,1% năm 2000 lên 24,87% năm 2005. Tổng kim ngạch hàng công nghiệp địa phương tham gia xuất khẩu đạt mức 170 triệu USD; tạo được việc làm mới cho khoảng 15.000 lao động. Tỉnh đã đưa 3 KCN tập trung vào hoạt động sản xuất và bước đầu được đánh giá là có hiệu quả. Hiện nay, Phú Yên đang hình thành mạng lưới điểm CN ở tất cả các huyện, thành phố. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư đã có những thành công nhất định, nhiều nhà máy đã và đang xây dựng có ý nghĩa lớn trong tác động phát triển kinh tế tỉnh như nhà máy đường, nhà máy dược phẩm, nhà máy bia, nhà máy ô tô, các công trình thuỷ điện…
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất TTCN ở khu vực nông thôn trong 5 năm qua có bước chuyển biến rất lớn, nhiều làng xã ở hầu hết các huyện đã tổ chức sản xuất TTCN với nhiều sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán sản xuất của người dân như mây tre lá, các sản phẩm từ dừa, hải sản ăn liền… đang phát triển khá. Đây sẽ là tiền đề rất quan trọng cho việc hình thành các làng nghề ở khu vực nông thôn cho giai đoạn sau và quá trình thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH – HĐH của tỉnh.
* Theo ông, sự phát triển của công nghiệp Phú Yên trong thời gian qua có thật sự bền vững? Thế mạnh cũng như hạn chế của kinh tế công nghiệp Phú Yên hiện nay là gì?
- Sản phẩm công nghiệp của tỉnh hiện nay rất phong phú và đa dạng. Trong đó, các sản phẩm mang tính chủ lực rất bền vững và đã được thị trường chấp nhận. Còn các sản phẩm mới thì đang trong giai đoạn thăm dò, tìm kiếm. Nhưng nhìn tổng quát thì có thể thấy rằng sản phẩm công nghiệp của Phú Yên chủ yếu khai thác vào các thế mạnh tài nguyên của tỉnh, các nhà máy mới được đầu tư đều có thiết bị ở mức tiên tiến, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất của Nhà nước. Do đó, sự phát triển của nền công nghiệp trong giai đoạn qua có thể xem là bền vững. Nhưng tất nhiên trong cái bền vững ấy không phải là không chứa đựng sự rủi ro. Vấn đề cần quan tâm là tiên lượng được các yếu tố rủi ro trong thời điểm hội nhập hiện nay sẽ tác động đến các mặt hàng, các doanh nghiệp ở mức độ nào để đưa ra các biện pháp ứng xử phù hợp.
Phân tích trong cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp thấy rằng thế mạnh hiện nay của kinh tế công nghiệp là công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông – thuỷ sản. Tuy hai ngành này đóng góp cho ngân sách chưa bằng một số ngành khác, nhưng có tác động xã hội thì rất lớn. Và cái khó nhất cho ngành công nghiệp này vẫn là việc bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Trong khi đó, sự tác động của Nhà nước vào khâu này còn nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật về quản lý thực hiện quy hoạch chưa đầy đủ, thiếu vốn đầu tư hạ tầng để phát triển hoặc thu hút nguyên liệu…
* Xin ông cho biết mục tiêu và định hướng phát triển của công nghiệp Phú Yên đến năm 2010 như thế nào? Để đạt được những mục tiêu đó, ngành công nghiệp cần có những giải pháp cụ thể nào?
- Trên cơ sở kết quả đạt được trong thời gian qua, định hướng phát triển ngành công nghiệp của Nhà nước và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đến năm 2010 ngành công nghiệp phấn đấu đạt các mục tiêu: Tỷ trọng GDP công nghiệp/GDP toàn tỉnh đạt mức trên 30% (GDP công nghiệp - xây dựng chiếm 41% trong cơ cấu GDP). Kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp địa phương đạt mức 80 triệu USD; tăng thêm việc làm cho khoảng 15.000 người. Để đạt mục tiêu đó, ngành công nghiệp đã đưa ra định hướng phát triển chủ yếu ở một số lĩnh vực. Đó là: Khuyến khích phát triển mạnh ngành may mặc, giày dép… để giải quyết việc làm cho người lao động; Tạo sự liên kết chặt chẽ trong quan hệ “4 nhà” để phát triển ổn định và bền vững cho công nghiệp chế biến nông – lâm - hải sản; Đẩy mạnh việc đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Chú trọng khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp khác như cơ khí, điện tử, dược phẩm, hoá chất, thực phẩm…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh đề ra, ngoài các giải pháp chung của tỉnh, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cần phải có các giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện các quy hoạch ngành công nghiệp, quy hoạch điểm CN và các kế hoạch, chương trình phát triển công nghiệp chế biến nông – lâm - thuỷ sản, cơ khí đến năm 2010; Tiếp tục thực hiện và cải tiến công tác hoạt động khuyến công, thực hiện tốt các chính sách khuyến khích đã được tỉnh ban hành để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó phải chú ý hỗ trợ, giúp đỡ để các doanh nghiệp vừa chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước vừa đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh và xem đây như là một biện pháp có hiệu quả nhất trong thu hút đầu tư ; Nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với việc xây dựng và quảng bá nhãn hiệu hàng hoá; Áp dụng các bộ tiêu chuẩn quốc tế vào công tác quản lý sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cả trong và ngoài nước; Sớm nghiên cứu hình thành doanh nghiệp đầu mối để cung cấp các dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm TTCN và sản phẩm làng nghề. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế đã và đang diễn ra rất sôi động, việc thông tin kinh tế là vấn đề hết sức quan trọng. Do vậy, ngoài phần hỗ trợ thông tin từ các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cần phải chủ động tổ chức hệ thống phân tích thông tin liên quan đến sản phẩm của mình để áp dụng cho công tác xây dựng kế hoạch sản xuất.
* Xin cảm ơn ông!
BÍCH HÀ (thực hiện)