Thời gian qua, nhờ chuyển đổi các mô hình bảo vệ môi trường từ các đơn vị Nhà nước sang các tổ chức và cá nhân theo hình thức dịch vụ công ích, xã hội hóa, nên đã thu hút được nhiều đối tượng tham gia, tăng tính cộng đồng cho hoạt động này.
Khó vẫn làm
Việc xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng thu hút nhiều thành phần trong xã hội tham gia, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Thời gian tới, để xã hội hóa sâu rộng hơn nữa, Sở TN-MT tham mưu với UBND tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên những dự án liên quan đến bảo vệ môi trường hoặc những dự án áp dụng công nghệ hiện đại đảm bảo các chỉ tiêu môi trường cao. Đó là cách để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo bảo vệ môi trường một cách bền vững. |
Cách đây 10 năm, hoạt động thu gom và xử lý rác thải chủ yếu do các đơn vị hành chính Nhà nước đảm nhận, nhưng nay công tác này một phần đã được giao lại cho các tổ chức hội, HTX và doanh nghiệp tư nhân. Theo Sở TN-MT, toàn tỉnh có 42 tổ chức, cá nhân tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, trong đó chủ yếu là các HTX với 21 tổ/đội, UBND xã với 13 tổ/đội, còn lại là các cá nhân. Các HTX, UBND xã thu gom rác tập kết tại các điểm trung chuyển. Cấp huyện đảm nhận việc đưa rác từ điểm trung chuyển đi xử lý.
Ông Phạm Trọng Yêm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh có 14 HTX làm dịch vụ thu gom rác thải. Từ nguồn thu phí vệ sinh do UBND tỉnh quy định các HTX tự cân đối chi, đảm bảo duy trì dịch vụ. Với các HTX, đây là dịch vụ công ích nên doanh thu dù ở mức thu đủ chi, các đơn vị này vẫn thực hiện vì hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cũng như góp phần xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa), thu gom rác thải sinh hoạt trong dân không khó bằng việc phải thu gom rác thải dồn ứ trên các tuyến kênh mương dẫn nước về đồng. Chi phí cho công tác này lớn, HTX không được thu phí mà vẫn phải làm vì nếu không sẽ ảnh hưởng tới tưới tiêu. Hội đồng quản trị HTX xác định đây là hoạt động có ý nghĩa xã hội lớn nên dù phải bù lỗ vẫn quyết tâm làm.
Bên cạnh đó, các hoạt động như bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, sản xuất xanh, xây dựng thôn buôn, làng xóm thân thiện với môi trường, phát triển các hình thức tự quản giữ gìn vệ sinh môi trường… cũng thu hút được các hội đoàn thể tham gia, coi đây là hoạt động thường niên. Theo ông Lê Luân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đơn vị triển khai tới từng cấp hội các hoạt động bảo vệ môi trường, từ đây hình thành nếp sống văn minh, đô thị xanh, sạch, đẹp tới từng hộ dân. Mới đây nhất, đơn vị nhân rộng mô hình điểm cộng đồng tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại một số chùa trong tỉnh. Việc thay đổi thói quen sinh hoạt, nâng cao ý thức của người dân cần thời gian và phải kiên trì. Muốn “mưa dầm thấm lâu”, đơn vị chọn tuyên truyền kết hợp với xây dựng các mô hình điểm để tăng tính tương tác với người dân, từ đó tăng hiệu quả tiếp nhận và thực hiện.
Người dân được tiếp cận
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) cho biết: Tôi sản xuất trên rẫy nên cần điện để thắp sáng, chạy máy tưới cây, nếu sử dụng pin năng lượng mặt trời thì vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường. Trước đây tôi muốn lắp hệ thống này nhưng không biết liên hệ nơi nào, nay nó trở thành dịch vụ của các cửa hàng, doanh nghiệp, người dân chỉ cần gọi điện là được phục vụ ngay lập tức. Tôi đã đầu tư 30 triệu đồng để lắp và sử dụng năng lượng sạch này được 3 năm nay, so sánh hóa đơn điện hàng tháng mà trước kia phải trả thì ít hơn rất nhiều và nguồn điện cũng ổn định.
Ông Nguyễn Xuân Yên ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) áp dụng kỹ thuật sản xuất rau sạch nhờ được các đơn vị chuyển giao. Theo ông Yên, trồng rau thủy canh, dưa lưới trong nhà màng… dường như chỉ có các công ty mới thực hiện được. Do họ có vốn, có lao động chuyên môn cao, diện tích lớn… Còn nay các hộ dân như ông cũng có thể làm là nhờ được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ thiết bị với giá thành thấp.
Còn ông Trần Văn Phú ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) chia sẻ: “Trước đây bà con phải mang rác ra tận bãi tập kết để xe của huyện tới thu gom chở đi. Từ khi HTX làm dịch vụ này, rác được thu gom tận ngõ, rất thuận tiện”.
Theo Sở TN-MT, thực tế cho thấy việc xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng thu hút nhiều thành phần trong xã hội tham gia, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Thời gian tới, để xã hội hóa công tác này được sâu rộng hơn, sở tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên những dự án liên quan đến bảo vệ môi trường hoặc những dự án có công nghệ hiện đại, đảm bảo các chỉ tiêu môi trường cao. Đó là cách để vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo bảo vệ môi trường một cách bền vững.
MINH DUYÊN