Vụ đông xuân 2019-2020, nông dân trong tỉnh gieo sạ hơn 26.476ha, năng suất lúa đạt 75,8 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha so với vụ đông xuân 2018-2019. Cùng với đó, hiện giá lúa 6.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với trước đây. Cộng với giá cả đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…, phục vụ cho sản xuất trồng trọt ổn định từ đầu vụ đến cuối vụ nên nông dân có lãi.
Hiệu quả từ mô hình sạ thưa
Vụ lúa này, huyện Phú Hòa gieo sạ 5.385ha, năng suất đạt cao nhất lên đến 80,55 tạ/ha, tăng 2,95 tạ/ha so với vụ đông xuân trước. Những xã đạt năng suất cao như Hòa Thắng 86,2 tạ/ha, Hòa Trị 86,1 tạ/ha, Hòa An 85,8 tạ/ha. Đầu vụ đông xuân 2019-2020, nông dân huyện Phú Hòa gieo sạ giống lúa ĐV 108PT chiếm 40%, giống ANS1 chiếm 20%, giống PY2 chiếm 6,7%... Bà Trần Thị Hiền, nông dân xã Hòa Thắng, chia sẻ: Gia đình tôi sạ 2 sào ruộng, sạ giống ĐV 108PT, áp dụng sạ thưa 5kg/sào. Thời gian lúa sinh trưởng có sâu cuốn lá nhỏ, bọ xít đen gây hại, thế nhưng tôi phun thuốc kịp thời nên khống chế được. Năng suất lúa cuối vụ đạt 820kg/2 sào (tương đương năng suất đạt 82 tạ/ha).
Ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho hay: Trong vụ đông xuân, ngoài diện tích cơ cấu giống chủ lực đưa vào sản xuất thì huyện Phú Hòa triển khai mô hình sản xuất giống lúa mới TBR1, HT1, PY14 với diện tích 320ha, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa. Mô hình sử dụng các giống lúa cấp xác nhận nên độ thuần đồng ruộng cao, kết hợp giảm mật độ gieo sạ nên hạn chế sâu bệnh. Trong vụ xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại 0,5ha tại xã Hòa Quang Bắc; rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện trên đồng ruộng các xã nhưng mật độ thấp.
Tại Tây Hòa, vụ đông xuân sản xuất 6.614ha, năng suất bình quân đạt 78,8 tạ/ha. Trong vụ này, Phòng NN-PTNT phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, UBND các xã triển khai mô hình sử dụng giảm lượng giống gieo sạ trên diện tích 710ha. Trong đó, mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao là 200ha, mô hình liên kết sản xuất lúa giống là 50ha, mô hình sản xuất giống nông hộ 60ha… Trong đó, xã Hòa Phong triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa giống BĐR 27, với diện tích 30ha. Còn xã Hòa Mỹ Tây, mô hình liên kết sản xuất lúa giống diện tích 20ha, giống lúa BĐR 27. Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây cho hay, mô hình đã đem lại hiệu quả cho bà con nông dân trong việc ứng dụng những biện pháp canh tác tiên tiến để sản xuất; ứng dụng những biện pháp kỹ thuật mới trong quá trình sản xuất. Với lượng giống gieo sạ 5kg/sào, người nông dân canh tác tốt và đạt năng suất cao so với canh tác truyền thống.
Giá tăng, nông dân có lãi
Cũng trong vụ đông xuân, năng suất lúa bình quân của huyện Tuy An đạt 69,5 tạ/ha, các HTX nông nghiệp có năng suất cao như An Thạch 78,9 tạ/ha, An Cư 75,5 tạ/ha, An Ninh Tây 73,6 tạ/ha và thị trấn Chí Thạnh 76 tạ/ha. Vụ này, các địa phương trong huyện triển khai mô hình sản xuất lúa giống. Trong đó, HTX Nông nghiệp An Nghiệp sản xuất 20ha, giống lúa Bắc Thịnh, HT1, TN2, năng suất bình quân đạt 75 tạ/ha. Thông qua mô hình này, HTX đã đáp ứng nhu cầu giống lúa cho thành viên và liên kết tiêu thụ với các tỉnh lân cận. Cùng với đó là mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo Hoa Vàng với diện tích 10ha tại xã An Nghiệp; năng suất đạt 65 tạ/ha, hiệu quả kinh tế sau trừ chi phí đạt trên 18,5 triệu đồng/ha. Bà Bùi Thị Lanh ở xã An Nghiệp cho biết: Tôi tham gia mô hình sản xuất 2 sào lúa giống, 1 sào lúa sản xuất theo chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo Hoa Vàng. Năm nay lúa được mùa, gié lúa dài, trĩu hạt. Cuối vụ, HTX liên kết bao tiêu sản phẩm bán lúa giống, bình quân mỗi sào sau khi trừ chi phí thu trên 900.000 đồng, tương đương 18,5 triệu đồng/ha.
Đó là sản xuất lúa mô hình. Còn đối với trồng lúa truyền thống thì vụ này, thời tiết thuận lợi cả trong quá trình gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lại trúng mùa, được giá nên nông dân phấn khởi. Ông Huỳnh Kim ở xã An Thạch trồng 8 sào lúa, thu được 3 tấn. Hiện giá lúa đang được các tư thương thu mua 6.000 đồng/kg lúa khô, cao hơn 2.000 đồng/kg, so với trước đây. Bình quân mỗi sào sau khi trừ chi phí, thu lãi 800.000 đồng/sào.
Thu hoạch vụ lúa đông xuân, nông dân huyện Đồng Xuân vui mừng, giá thuê máy cắt ở một số địa phương giảm, do giá xăng dầu giảm. Đồng thời, thời tiết thuận lợi nên nông dân thu hoạch lúa nhanh hơn so với các năm trước, chi phí cho vụ lúa này cũng giảm hơn so với mọi năm. “Vụ này thuê máy gặt đập chỉ 200.000 đồng/giạ giống (1.000m2), còn vụ trước thuê đến 220.000 đồng/giạ giống. Rồi phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật, từ thuốc sâu, thuốc cỏ, thuốc trị bệnh cũng không tăng, nên nông dân phấn khởi”, bà Đặng Thị Hương ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) nói.
Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho hay: Diện tích lúa gieo sạ vụ đông xuân là 1.677ha; trong đó diện tích sử dụng giống lúa đạt chuẩn là 1.447ha, đạt 86,2%. Bà con nông dân áp dụng sạ hàng, sạ thưa hợp lý nên ngăn ngừa sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất. Vụ này, giá lúa tăng cao nên bà con nông dân phấn khởi.
Theo Sở NN-PTNT, ngay từ đầu vụ, nông dân đã thực hiện theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp về khung thời vụ gieo sạ, làm tốt khâu xử lý đất, vệ sinh đồng ruộng. Đặc biệt, nông dân áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, giảm lượng giống gieo sạ, tăng tỉ lệ sử dụng giống cấp xác nhận.
Vụ đông xuân 2019-2020, giá cả đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… phục vụ cho sản xuất trồng trọt ổn định từ đầu vụ đến cuối vụ. Giá cả đầu ra của nông sản chủ lực của tỉnh như lúa, sắn, mía… cao hơn so với cùng kỳ năm trước và tiêu thụ ổn định. Cụ thể, giá lúa được thương lái thu mua từ 6.000 đồng/kg trở lên… Vụ lúa đến, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong đồng ruộng, áp dụng sạ hàng sạ thưa, nâng cao năng suất.
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT |
MẠNH LÊ TRÂM