Ngành Ngân hàng Phú Yên vừa có buổi làm việc với đại diện một số sở, ngành và các hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về triển khai những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ứng phó với dịch COVID-19. Tại đây, hai bên đã trao đổi thẳng thắn những vướng mắc gặp phải và đề xuất giải pháp để cùng hợp tác, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Bởi nói như ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc VietinBank Phú Yên, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp như môi với răng, môi hở thì răng lạnh. Do đó, ngân hàng cứu doanh nghiệp cũng là cứu chính mình.
Doanh nghiệp khó, ngân hàng cũng khó
Tại buổi làm việc nói trên, đại diện các sở KH-ĐT, NN-PTNT, Công thương, VH-TT-DL cùng Hội Doanh nghiệp Phú Yên và Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên cho hay do tác động của đại dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều chịu ảnh hưởng tiêu cực. Sản xuất đình trệ, doanh số tiêu thụ hàng hóa giảm, hàng tồn kho lớn, ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất kinh doanh và thanh toán nợ vay cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, lưu lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Phú Yên giảm mạnh, trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn và gián tiếp ảnh hưởng đến các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ hàng hóa khác cho khách du lịch.
“Từ cuối tháng 3/2020 đến nay, toàn tỉnh có gần 100 đơn vị kinh doanh lưu trú tạm ngừng hoạt động. Các đơn vị kinh doanh lữ hành thì hủy toàn bộ tour du lịch và ngừng hoạt động kinh doanh. Tổng doanh thu hoạt động du lịch trong quý I/2020 chỉ đạt hơn 326 tỉ đồng, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm trước”, bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp chế biến không xuất khẩu được, hàng tồn kho lớn. Doanh nghiệp may mặc gặp khó từ đầu vào đến đầu ra, phải sắp xếp lao động người làm người nghỉ, hoặc chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế để duy trì hoạt động. Doanh nghiệp mía đường thì lượng hàng tồn kho rất lớn, không tiêu thụ được.
Nguyên nhân chủ yếu được các đại biểu chỉ ra là do các nước có dịch đã đóng cửa thị trường, kể cả xuất khẩu và nhập khẩu, trong đó đáng chú ý nhất là thị trường Trung Quốc, các nước châu Âu và Mỹ. Thêm vào đó, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cách ly xã hội được triển khai trong nước cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động thương mại, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp khó khăn, không mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh thì ngân hàng cũng khó tăng trưởng tín dụng. Điều này phản ánh rõ qua thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, khi tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến ngày 15/4/2020 đạt 31.882 tỉ đồng, chỉ tăng 421 tỉ đồng (tức tăng 1,34%) so với đầu năm. “Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ của các năm từ 2017-2019. Trong khi đó, hoạt động chính của hệ thống ngân hàng vẫn là tín dụng, nên nếu tín dụng tăng trưởng thấp như hiện nay thì ngân hàng sẽ rất khó khăn”, ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết.
Hỗ trợ nhưng chưa đồng đều
Trước tình hình khó khăn chung của doanh nghiệp và cả hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn chịu tác động của dịch COVID-19. Cụ thể, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; đồng thời giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng hiện hữu từ 0,5-3%/năm tùy vào mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay đến nay là 4.354 tỉ đồng đối với 143 doanh nghiệp và 2.005 cá nhân, số tiền lãi được giảm hơn 3,8 tỉ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cho 48 khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số cho vay tính từ ngày 23/1/2020 đến nay là 2.014 tỉ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng còn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử, phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian có dịch COVID-19.
Tuy ngành Ngân hàng Phú Yên đã vào cuộc để triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn nhưng theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên, việc triển khai giữa các ngân hàng chưa đồng đều. “Có ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất kể cả các khoản vay hiện hữu, chỉ cần doanh nghiệp thuộc đối tượng theo quy định của hội sở chính là ngân hàng tự động giảm lãi chứ không đòi hỏi thủ tục gì. Trong khi đó, nhiều ngân hàng chỉ giảm lãi suất các khoản vay mới mà không nhận thấy rằng, hiện nay doanh nghiệp gần như không có nhu cầu vay mới bởi hàng tồn kho nhiều, dòng tiền “đứng bánh”. Ngoài ra, một số ngân hàng còn tốn quá nhiều thời gian để rà soát, cân nhắc doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để cơ cấu nợ, giảm lãi vay mà không chịu nhìn nhận một thực tế là trong đại dịch lần này, hầu hết các doanh nghiệp đều bị tác động, không trực tiếp thì gián tiếp, không phải là F0 thì sẽ là F1, F2, F3...”, ông Thọ nói.
Còn theo ông Lê Hoàng Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên, “bệnh” của doanh nghiệp hiện nay là sự đứt gãy về cung cầu, không có mua, không có bán, nên thời điểm này doanh nghiệp không có nguồn thu. Do vậy, nếu ngân hàng cơ cấu nợ nhưng chỉ giãn thời gian trả nợ gốc mà vẫn yêu cầu trả lãi như định kỳ thì doanh nghiệp gần như không thể làm được.
Cơ hội để hai bên xích lại gần nhau
Cho rằng dịch bệnh COVID-19 như một “cơn gió độc” ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực và chính ngân hàng cũng trở tay không kịp, nhưng ông Đặng Hồng Lĩnh khẳng định ngân hàng đã thực hiện đúng và nghiêm túc theo tinh thần Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước. “Làm việc trong ngành Ngân hàng hàng chục năm qua, nhưng chỉ từ khi xảy ra dịch COVID-19, tôi mới thấy Thống đốc ban hành 1 thông tư, 1 chỉ thị, 3 công điện trong vòng 1 tháng. Điều này cho thấy tính cấp thiết trong việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Bởi ngân hàng và doanh nghiệp như môi với răng, ngân hàng cứu doanh nghiệp cũng là cứu chính mình. Do đó, chúng tôi đã cắt giảm hàng loạt chi phí, lương, thưởng để có nguồn lực hỗ trợ khách hàng”, ông Lĩnh nói.
Ông Nguyễn Đại Hòa, Phó Giám đốc BIDV Phú Yên thì cho hay: Doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng không sớm thì muộn cũng sẽ “ngấm đòn”. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, ngân hàng đã cố gắng giảm lãi suất đầu ra khi lãi suất đầu vào không biến động lớn; đồng thời cơ cấu lại nợ cho khách hàng vay, trong khi vẫn phải trả lãi đến hạn cho người gửi tiết kiệm. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của ngân hàng, doanh nghiệp phải có giải pháp tự cứu mình như cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ mới để tiết giảm chi phí hoạt động... Ngoài ra, các sở, ban ngành cần phối hợp triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Hàn, trong giai đoạn khó khăn tài chính hiện nay, hệ thống ngân hàng cần chia sẻ với doanh nghiệp trong khuôn khổ chỉ đạo của hội sở chính, và phải làm cho nhanh, nhiệt tình để khách hàng yên tâm, tin tưởng. Bên cạnh thực hiện kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng cần tiếp tục theo dõi, đề xuất kiến nghị những vướng mắc chưa thể hỗ trợ cho khách hàng lên cấp cao hơn để giải quyết triệt để.
Ngành Ngân hàng mong muốn các hội doanh nghiệp thông tin đầy đủ đến thành viên cơ chế chính sách hỗ trợ của ngân hàng để doanh nghiệp biết, chủ động liên hệ với đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên theo số: 0257.3823495 (Phòng Tổng hợp, Nhân sự và Kiểm soát nội bộ) và 0846868218 (ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc) khi gặp khó khăn, vướng mắc trong việc được hỗ trợ. Đồng thời nỗ lực tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp để chống chọi lại những cơn sốc của thị trường và tự cứu mình...
Ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên |
LÊ HẢO