Tiêu hạt đang rớt giá cộng thêm bệnh chết nhanh, chết chậm bùng phát trên cây tiêu nên nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh (nhất là ở huyện Tây Hòa) có xu hướng phá bỏ loại cây trồng này. Hiện người dân loay hoay tìm cây trồng thích hợp để đầu tư sản xuất nhằm ổn định cuộc sống.
Các địa phương kiến nghị tỉnh và ngành Nông nghiệp sớm có định hướng cụ thể để nông dân chuyển đổi cây trồng.
Nhiều diện tích trồng tiêu bị phá bỏ
Trước đây, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) được mệnh danh là thủ phủ của cây hồ tiêu ở Phú Yên với diện tích hơn 500ha. Tiêu Sơn Thành Tây nổi tiếng khắp cả nước vì cây phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Thế nhưng, từ cuối năm 2017, do ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 12 và sau đó là sự xuất hiện của bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu nên đa số các hộ trồng loại cây này đều không đạt hiệu quả kinh tế, thậm chí còn thua lỗ. Một thời gian dài, nông dân chi phí rất nhiều tiền bạc, công sức để nỗ lực cứu cây tiêu nhưng bất thành nên đành chặt bỏ, chuyển sang trồng cây khác.
Ông Phan Trọng Anh ở đội 9, thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây, cho biết: Trước đây, gia đình tôi nhận khoán từ Công ty CP Vinacafe Sơn Thành hơn 6 sào đất (6.000m2) để trồng tiêu. Giai đoạn từ năm 2013-2016, cây tiêu ở đây phát triển rất tốt, năng suất, chất lượng cao và tiêu hạt bán được giá nên nông dân trồng loại cây này rất phấn khởi. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay, trên cây tiêu xuất hiện loại bệnh chết nhanh, chết chậm nhưng không có cách chữa trị, hễ mắc bệnh là chết. Đặc biệt, lúc cây tiêu bước vào giai đoạn kinh doanh (sau 3 năm trồng) thì nhiễm bệnh rồi chết dần. Vì tiền bạc, công sức đầu tư cho loại cây trồng này rất lớn nhưng hiệu quả không như mong muốn nên đến nay đa số người trồng tiêu ở đây đã và đang phá bỏ để trồng loại cây khác như bắp, sắn, cà tím, măng tây, chanh dây, cây ăn quả…
Theo nhiều nông dân Sơn Thành Tây, không chỉ vì cây tiêu bị nhiễm bệnh mà nông dân phá bỏ, còn thêm một nguyên nhân nữa quan trọng hơn đó là giá tiêu hạt hiện nay quá thấp. Ông Đoàn Văn Chiến ở đội 2, thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây, cho biết: Hiện giá tiêu hạt khô chỉ còn khoảng 30.000-35.000 đồng/kg, thấp hơn so với giai đoạn từ năm 2013-2016 khoảng 120.000-140.000 đồng/kg. Nếu thuê công hái thì mỗi người 300.000 đồng/ngày, còn ăn chia thì tỉ lệ 6/4, nghĩa là người hái 6 phần còn chủ chỉ còn 4 phần nhưng không có công hái. Trong khi đó, đa phần cây tiêu ở vùng đất này hiện nay đều bị nhiễm bệnh nên năng suất không cao, có nhiều diện tích chỉ có năng suất khoảng 100kg tiêu khô/sào/vụ nên đa số nông dân trồng tiêu bị lỗ vốn đầu tư. Hiện một số tư thương thu mua hạt tiêu tươi non với giá 10.000 đồng/kg. Bình thường một bao tiêu hạt nặng khoảng 30-40kg, nhưng bao tiêu non chỉ nặng chừng 10-15kg. Thế nhưng, người dân cũng đành thu hoạch tiêu non để bán, vì kéo dài thời gian thì chi phí càng cao.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, trước năm 2017, diện tích trồng cây hồ tiêu trên địa bàn huyện hơn 700ha (chủ yếu tập trung ở xã Sơn Thành Tây), đến nay chỉ còn khoảng 1/4. Riêng xã Sơn Thành Tây còn khoảng 150ha. Tuy nhiên, diện tích trồng cây hồ tiêu trên địa bàn xã dự báo sẽ tiếp tục giảm nữa vì hiện loại cây này không mang lại hiệu quả kinh tế như người dân mong đợi.
Nông dân xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) phá bỏ cây tiêu để chuyển sang trồng bắp. Ảnh: ANH NGỌC |
Tìm loại cây trồng phù hợp
Vườn tiêu ngày càng héo úa, nông dân đành bấm bụng phá bỏ để trồng cây khác ngắn ngày, kiếm thu nhập trước mắt để ổn định cuộc sống. Thế nhưng, việc nông dân tự tìm ra loại cây trồng mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng… là cả một vấn đề.
Có 8 sào đất trồng tiêu nhưng đến nay, gia đình ông Đoàn Văn Chiến đã phá bỏ 5 sào để trồng bắp và cà tím. “Dù trồng 2 loại cây này mỗi vụ thu lãi chừng 3-4 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với trồng tiêu trước đây, nhưng đây là giải pháp tình thế vì nông dân chúng tôi chưa biết trồng loại cây gì để ổn định lâu dài. Tuy vậy, hiện nay, việc trồng bắp cũng gặp một số khó khăn bởi sâu bệnh nhiều nên chi phí tăng cao, chẳng còn lãi bao nhiêu. Người dân ở đây mong chờ chính quyền địa phương và các ngành chức năng sớm có nghiên cứu, định hướng và hỗ trợ nông dân lựa chọn loại cây trồng thích hợp”, ông Chiến nói.
Theo ông Trịnh Lâm Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây, hiện nay, người dân đã phá bỏ các vườn tiêu bị bệnh để chuyển sang trồng sắn, bắp, cà tím và măng tây… Đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp cần có định hướng cụ thể để nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác đúng hướng, phù hợp với quy hoạch, khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Thêm vào đó, hiện nhiều hộ dân trên địa bàn xã còn nợ các ngân hàng tiền đã vay vốn để đầu tư trồng tiêu. Vì thế, người dân mong muốn ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ và tạo điều kiện cho nông dân tiếp tục vay vốn để phát triển sản xuất.
Không riêng tại huyện Tây Hòa, diện tích trồng tiêu ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An… cũng đang giảm đáng kể. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Trước đây, tổng diện tích trồng tiêu trên địa bàn huyện khoảng 200ha, nay chỉ còn khoảng 60-70ha. Nguyên nhân giảm diện tích là do dịch bệnh hại cây tiêu và giá tiêu hạt thấp nên nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác. Trước tình trạng này, UBND huyện Sông Hinh đã có định hướng để nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và quy hoạch của địa phương. Đến nay, đa số diện tích trồng tiêu trên địa bàn huyện nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, một phần chuyển sang trồng cao su… Huyện cũng xác định, hồ tiêu là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nếu có quy hoạch phù hợp từng vùng cụ thể, đầu tư đúng kỹ thuật, phòng ngừa dịch bệnh tốt nên địa phương đang vận động nông dân phát triển theo hướng này, không nên ồ ạt phá bỏ.
Theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT, đến năm 2020, Phú Yên có khoảng 400ha cây hồ tiêu. Tuy nhiên, giai đoạn trước đây do giá tiêu hạt cao, nông dân ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng tiêu nên có lúc diện tích trồng tiêu trên địa bàn tỉnh hơn 1.000ha, gấp khoảng 2,5 lần so với quy hoạch. Sở NN-PTNT đang phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu loại cây trồng phù hợp cho từng vùng để người dân chuyển đổi và phối hợp với các địa phương để có quy hoạch trồng cây hồ tiêu cho từng nơi. |
ANH NGỌC