Đề án tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Quốc hội phê duyệt. Đối với vùng miền núi DTTS của tỉnh, đây chính là cơ hội để vươn lên bắt kịp sự phát triển chung và thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững.
Đúng như tên gọi, đề án này sẽ mang đến sự phát triển một cách tổng thể trên tất cả các mặt, lĩnh vực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Bước ngoặt này tạo nên những thay đổi lớn và để không bỏ qua cơ hội này cần sự đồng thuận từ người dân, chính quyền và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị. |
Chia sẻ với Báo Phú Yên về vấn đề nói trên, ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết:
- Đề án hướng tới các mục tiêu, như khai thác tiềm năng, lợi thế các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Lâu nay, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tập trung đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào so với bình quân chung cả nước. Do vậy, việc thực hiện tốt đề án nói trên sẽ góp phần khắc phục những hạn chế đang tồn tại ở vùng miền núi như địa hình phức tạp, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng yếu…
Ông Trương Văn Phương |
* Để chính sách đầu tư cho vùng miền núi DTTS phát huy hiệu quả, đề án có định hướng như thế nào, thưa ông?
- Quan tâm phát triển vùng miền núi, Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ. Nhiều chính sách đang phát huy hiệu quả, giúp nâng cao đời sống người dân, nhưng cũng có những chính sách ra đời từ lâu không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Để chính sách phát huy hiệu quả, đề án đưa ra những đề xuất, trong đó chỉ rõ những chính sách cần tiếp tục thực hiện gắn với những điều chỉnh, bổ sung như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; chính sách bảo vệ và phát triển rừng, ưu đãi tín dụng cho hộ DTTS và hộ nghèo sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn; Chương trình 135 và Chương trình 30a… Đồng thời, đề án điều chỉnh định mức hỗ trợ với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn theo hướng trung ương ban hành chính sách khung phân cấp HĐND, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể.
Những chính sách được đề xuất không tiếp tục áp dụng, có hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách cử tuyển với các dân tộc không thuộc nhóm DTTS rất ít người và nhóm DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Nguyên nhân bởi những chính sách này không khuyến khích được tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào.
* Đối với vùng miền núi của tỉnh, đề án sẽ mang lại những cơ hội và thách thức gì?
- Phú Yên đã và đang có những định hướng như hình thành và phát triển vùng chuyên canh tập trung với các loại cây trồng chủ lực cho vùng miền núi như mía, sắn, cây ăn trái… và vật nuôi chủ lực như bò, heo đen… Cùng với đó, tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung; phát triển kinh tế lâm nghiệp; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất… Tỉnh cũng đầu tư mạnh cho phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng chuỗi giá trị gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ gỗ rừng trồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có HTX Lâm nghiệp công nghệ cao, trong đó các hộ có rừng đều có thể tham gia trở thành thành viên của HTX này. Các thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào là nội lực để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái… Những điều tỉnh ta đang làm cho vùng miền núi DTTS phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ đề ra trong đề án. Đây chính là cơ hội để tỉnh ta đẩy nhanh thực hiện những kế hoạch.
Tuy nhiên, chúng ta còn phải vượt qua nhiều thách thức, đó là nâng cao dân trí, đồng bộ hạ tầng cơ sở, cơ cấu lại đất đai, hoàn thiện quan hệ sản xuất để phù hợp với đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất…
* Xin cảm ơn ông!
MINH DUYÊN (thực hiện)