Vừa qua, trên cơ sở nhận định sơ bộ những tác động trực tiếp, gián tiếp của dịch COVID-19 tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế tỉnh, Sở KH-ĐT đưa ra dự kiến kịch bản tăng trưởng năm 2020 của Phú Yên. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, kịch bản nào mới khả dĩ?
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020, Phú Yên phấn đấu tăng trưởng GRDP 8,35%, tổng kim ngạch xuất khẩu 200 triệu USD, tổng thu ngân sách trên địa bàn 9.000 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 22.300 tỉ đồng…
Sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề
Năm 2020 sẽ là năm rất khó khăn đối với kinh tế cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng. Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh kép từ COVID-19 và các dịch bệnh khác trên gia súc và gia cầm (H5N1, H5N6...) đang diễn ra hiện nay, nếu chúng ta không đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn thì việc thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng 8,35% sẽ là thách thức rất lớn. Ông Võ Cao Phi, Giám đốc Sở KH-ĐT |
Theo Sở KH-ĐT, từ đầu năm đến nay, dưới tác động của dịch COVID 19, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực hoạt động đều bị ảnh hưởng nặng nề. Các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ du lịch gặp nhiều khó khăn do khách hàng hủy kế hoạch du lịch, hủy đặt phòng. Hoạt động kinh doanh nhà hàng trầm lắng do tâm lý người dân ngại đến những nơi đông người.
Phần lớn khách sạn 3-5 sao giảm 40-50% công suất bán phòng, tổng doanh thu của cơ sở lưu trú du lịch giảm 60-70% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động vận tải diễn ra ảm đạm, người dân chỉ di chuyển khi thực sự cần thiết; dịch vụ cho thuê xe du lịch, taxi… cũng giảm. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, may mặc... hoạt động cầm chừng, hàng tồn kho nhiều...
Kinh tế không khởi sắc, kéo theo tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ mọi năm. “Nhìn chung, từ năm 2016-2019, tín dụng cuối quý I ở Phú Yên bình quân tăng trưởng xấp xỉ 4%/năm so với năm trước. Trong khi đó, quý I/2020, tín dụng chỉ tăng khoảng 0,5% so với cuối năm 2019. Điều này cho thấy dịch bệnh COVID-19 đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng trong những tháng đầu năm 2020”, ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết.
Trên cơ sở nhận định sơ bộ những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch COVID-19 tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế tỉnh, tháng 3/2020 vừa qua, Sở KH-ĐT đã đưa ra dự kiến kịch bản tăng trưởng năm 2020 của tỉnh. Theo đó, với kịch bản 1, tình hình dịch COVID-19 được khống chế trong quý I/2020 thì dự kiến tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm nay khoảng 7,39% (giảm 1,81 điểm % so với cùng kỳ năm 2019), và GRDP 6 tháng cuối năm phải tăng 9,38% mới đạt được mức tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch năm 2020 đã được HĐND tỉnh thông qua là 8,35%.
Kịch bản 2 được xây dựng trên cơ sở kịch bản 1 và dự kiến dịch bệnh COVID-19 kéo dài đến hết quý II/2020; tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, và kinh tế không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 8,35% như kế hoạch đề ra. Lúc này, tăng trưởng GRDP năm 2020 dự kiến đạt khoảng 7%; trong đó, tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm 2020 khoảng 5,38% (giảm 2,32 điểm % so với cùng kỳ năm 2019), và tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm 2020 khoảng 8,63%.
Một quán ăn trên đường Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) tạm nghỉ vì dịch COVID-19. Ảnh: LÊ HẢO |
Nỗ lực thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng
Ông Võ Cao Phi, Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết: Hiện nay, tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; chưa thể dự báo được thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động. Tuy nhiên, điều có thể nhận thấy là dịch bệnh đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta nói chung và Phú Yên nói riêng trong ngắn hạn và cả dài hạn; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ...
Đến nay, quý I/2020 đã kết thúc nhưng dịch bệnh COVID-19 chưa được khống chế hoàn toàn, cho thấy kịch bản 1 khó có thể thành hiện thực. Tuy nhiên, năm nay là năm rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và tạo đà phát triển cho giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn, đại hội đảng các cấp, tiến đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, việc thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 8,35% theo Nghị quyết của HĐND tỉnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, theo Sở KH-ĐT, các sở, ban ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh cần tập trung triển khai các nhóm giải pháp chính gồm: Tháo gỡ khó khăn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giãn thời hạn nộp thuế; tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; khẩn trương phục hồi và phát triển ngành Du lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh thông tin truyền thông và tăng cường kiểm soát dịch bệnh.
“Về lâu dài, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần nâng cao trách nhiệm trong công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời cần có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, xây dựng niềm tin cho các doanh nghiệp...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế nói.
Chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm 2020
Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành mới đây cho biết: Chưa xem xét, đề xuất việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã được nêu tại Kết luận 63-KL/TW ngày 18/10/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết 85/2019/QH14 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch COVID-19. Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài; triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tín dụng, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, sớm thực hiện việc gia hạn, giảm thuế, phí liên quan cho doanh nghiệp, hỗ trợ các sản phẩm trong nước, xúc tiến và mở rộng các thị trường xuất khẩu. Đồng thời tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, tác động của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế để xem xét, đề xuất gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm kích thích tăng trưởng vào thời điểm phù hợp...
Trả lời báo chí liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Chính phủ đến giờ vẫn chưa đặt vấn đề hạ mục tiêu tăng trưởng. Điều đó không hàm nghĩa Chính phủ đang lạc quan. Chính phủ không đánh giá thấp nguy cơ, coi thường tình thế khó khăn mà nền kinh tế đang đối mặt. Cơ bản là do đến nay, tác động tiêu cực của tổ hợp các yếu tố vẫn chưa bộc lộ hết. Chúng ta vẫn đang nỗ lực tối đa để chống đỡ, thậm chí, để xoay chuyển tình thế. Trong tình thế đó, việc Chính phủ cho rằng chưa cần thiết phải đặt vấn đề hạ mục tiêu tăng trưởng là có cơ sở. |
LÊ HẢO