Chủ Nhật, 17/11/2024 03:30 SA
Thay đổi thói quen tiêu dùng do dịch bệnh
Thứ Hai, 06/04/2020 07:00 SA

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, giải pháp mua hàng qua điện thoại được nhiều người lựa chọn để hạn chế đến nơi đông người. Ảnh: NGÔ XUÂN

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19, mỗi người dân đã từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng; tăng cường đi chợ online và chi tiêu tiết kiệm hơn để đảm bảo tài chính vì khả năng dịch bệnh còn kéo dài.

 

Đi chợ online

 

Theo Sở Công thương, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thì giải pháp đi chợ online giúp người dân hạn chế đến nơi đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cũng như phù hợp với chủ trương khuyến khích không dùng tiền mặt của Chính phủ.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như thói quen sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân. Từ đó, nhiều người từng bước thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng để phù hợp với tình hình mới. Trong đó, đi chợ online đang là một xu hướng tạo nhiều thuận lợi cho người dân, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển thương mại điện tử và chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ.

 

Thực tế cho thấy, các kênh bán hàng trực tuyến đã được các đơn vị, doanh nghiệp triển khai từ nhiều năm nay. Thế nhưng, chỉ đến khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, yêu cầu mỗi người hạn chế đi lại thì các dịch vụ này mới thực sự bùng nổ. Cụ thể, tại các siêu thị VinMart, Co.opmart Tuy Hòa, mini V’Mart, các dịch vụ bán hàng qua điện thoại, website, ứng dụng bán hàng trên smartphone, bán hàng qua Zalo, đường link đặt hàng… đang được nhiều khách hàng sử dụng thay cho việc đi chợ mỗi ngày. Chỉ mất vài thao tác trên điện thoại, máy tính, người tiêu dùng có thể chọn lựa, đặt hàng và chờ nhận hàng trong thời gian từ 30 phút đến 3 giờ tùy theo từng khu vực.

 

Bà Trần Ngọc Tường Vân, Tổ trưởng Marketting - Dịch vụ khách hàng, siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, cho hay: Trước đây, tỉ lệ khách hàng sử dụng các ứng dụng mua hàng trực tuyến rất thấp; chủ yếu là các resort, nhà hàng, khách sạn, quán ăn… Thế nhưng, từ khi dịch bệnh bùng phát, khách hàng đi chợ online tăng gần 10 lần so với trước đó. Để đáp ứng nhu cầu, siêu thị đã tăng thêm nhiều phương tiện và nhân lực trong các khâu tiếp nhận và xử lý đơn hàng.

 

Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường phục vụ khách mua hàng thực phẩm tươi sống, chỉ với hóa đơn từ 100.000 đồng là đã được giao hàng miễn phí. Do vậy, mỗi người dân có thể đi chợ hàng ngày mà không cần phải ra khỏi nhà hoặc tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh.

 

Không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng, việc phát triển các ứng dụng đi chợ online còn giúp các đơn vị kinh doanh giảm áp lực phục vụ khách hàng tại chỗ, tránh việc khách hàng tập trung đông đúc vào cùng một thời gian cao điểm, gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Với các dịch vụ giao hàng tận nhà, nhân viên giao hàng được trang bị đầy đủ các biện pháp, phương tiện phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho bản thân và khách hàng.

 

Tiết kiệm chi tiêu

 

Không chỉ làm đảo lộn các thói quen trong cuộc sống, dịch bệnh COVID-19 còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và nguồn thu nhập của mỗi người dân. Đặc biệt, với việc thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly toàn xã hội, các cơ sở sản xuất, dịch vụ, hàng quán đều tạm dừng hoạt động.

 

Để phù hợp với tình hình trên, việc tiết kiệm chi tiêu được các bà nội trợ kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo cuộc sống trong giai đoạn khó khăn. Chị Đinh Hoàng Anh ở TP Tuy Hòa, chia sẻ: Trước đây, mỗi khi có thời gian rảnh, tôi thường rủ bạn bè đi dạo phố, shopping hoặc ăn uống, cà phê tán gẫu. Từ ngày dịch bệnh xảy ra, tôi hạn chế các hoạt động này, đồng thời lên kế hoạch kiểm soát chi tiêu để đề phòng dịch bệnh sẽ còn kéo dài. Cụ thể, tôi chỉ mua những sản phẩm thực sự cần thiết, với số lượng vừa đủ dùng và tránh mua sắm tràn lan như trước đây.

 

Còn với chị Trương Thị Sen, cũng ở TP Tuy Hòa, trong thời gian cao điểm kiểm soát dịch bệnh, các hàng quán đóng cửa nên chị luôn chủ động nấu ăn ngày 3 bữa cho gia đình. Chị cũng tự pha cà phê, xay sinh tố, làm kem để cả nhà thưởng thức thay vì đến hàng quán như trước.

 

“Những thay đổi thói quen tưởng chừng rất nhỏ, nhưng lại giúp gia đình tôi tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ. Quan trọng hơn là các thành viên trong gia đình có thời gian quan tâm, chăm sóc nhau nhiều hơn”, chị Sen chia sẻ.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek