Nâng cao trách nhiệm trong công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Đó là một trong những nhiệm vụ lâu dài của tỉnh Phú Yên nhằm hỗ trợ, thúc đẩy và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế tại cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nêu rõ, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; để tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy và phát triển doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, ổn định sản xuất kinh doanh.
Xây dựng chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp
Về giải pháp trước mắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với sở: Tài chính, Công thương, NN-PTNT; Cục Thuế tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng chính sách theo mức độ ảnh hưởng đối với từng ngành, từng nhóm ngành cụ thể để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp.
Trên cơ sở số liệu của ngành Thuế về số lượng và quy mô của các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh, Sở KH-ĐT phối hợp với Cục Thuế tỉnh làm việc với các địa phương rà soát về việc hộ kinh doanh chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp, phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho các huyện, thị xã, thành phố để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký qua mạng ngay tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; xây dựng và công bố trên trang thông tin của cơ quan về quy trình hướng dẫn thủ tục đăng ký qua mạng… Tăng tỉ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đối với lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp đạt trên 30% tổng số hồ sơ đăng ký.
Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh nghiên cứu tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực tín dụng, bao gồm: hỗ trợ lãi suất thương mại, hỗ trợ tín dụng cho vay. Chủ trì, phối hợp Cục Thuế tỉnh trong việc hỗ trợ về sổ sách kế toán, quyết toán thuế cho doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang loại hình doanh nghiệp. Phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động bảo lãnh vay vốn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sở Công thương thường xuyên bám sát, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp; kịp thời đề xuất với UBND tỉnh, Bộ Công thương các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giúp các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, đưa hàng vào siêu thị, phối hợp tổ chức kết nối cung cầu với các tỉnh, thành trong nước… nhằm giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Tìm giải pháp cho đầu ra sản phẩm nông nghiệp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở KH-CN tìm các giải pháp cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương rà soát, khảo sát lại tình hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như gạo, sắn, mía, hạt điều, bò, gỗ, cá ngừ, tôm hùm, tôm thẻ… tại các vùng sản xuất và đưa ra khuyến cáo chính thức đến các vùng sản xuất; thông tin về tình hình dịch bệnh và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ hiện nay, chuyển sang nuôi, trồng các sản phẩm phù hợp khác; khuyến cáo người dân trồng rải vụ để tránh thu hoạch cùng lúc.
Cục Thuế tỉnh tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có văn bản kiến nghị gửi các bộ, ngành trung ương có chính sách hỗ trợ và tạo sự công bằng trong việc kê khai thuế giữa các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp, theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tăng cường hướng dẫn, tạm thời giảm, hoãn kế hoạch thanh, kiểm tra thuế trong thời gian phòng chống dịch, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mới thành lập từ việc chuyển đổi của các hộ kinh doanh cá thể; trừ trường hợp có đơn thư tố giác vi phạm.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... cho doanh nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện các gói hỗ trợ tín dụng tốt nhất cho doanh nghiệp. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có số lượng lao động lớn vay vốn ưu đãi bảo đảm mục tiêu giải quyết việc làm và an sinh xã hội.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành Thuế tiến hành rà soát tình hình hoạt động của các hộ kinh doanh trên địa bàn, đối với các hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên hoặc hoạt động từ 2 địa điểm trở lên thì bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.
Nâng cao trách nhiệm trong công tác cải cách hành chính
Về nhiệm vụ lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm trong công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả các nhiệm vụ được phân công tại các kế hoạch của UBND tỉnh, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thực hiện ở cơ quan, đơn vị do mình quản lý.
Các sở, ban ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố cần có giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, xây dựng niềm tin cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác liên ngành hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
(PYP)