“Trong giai đoạn dịch bệnh, khoan nói đến việc phát triển, doanh nghiệp chỉ tồn tại đã khó... Do đó, các chính sách hỗ trợ lúc này cần thiết thực, tạo niềm tin rằng khi doanh nghiệp hoạn nạn, chính quyền địa phương sẽ đứng sau làm bà đỡ thì doanh nghiệp mới mạnh dạn thành lập, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Đó là ý kiến của ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên tại cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh tổ chức mới đây.
Dịch kéo dài, nhiều doanh nghiệp phải giải thể
Theo Sở KH-ĐT, trong 3 tháng đầu năm 2020 (tính đến ngày 24/3), toàn tỉnh có 106 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 1.333,4 tỉ đồng. Bên cạnh đó cũng có 17 doanh nghiệp giải thể và 45 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Lũy kế đến ngày 24/3, cả tỉnh có 3.208 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 63.526 tỉ đồng.
Mặc dù so với cuối năm 2015, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 45,82% nhưng sự phát triển chưa bền vững. Tốc độ phát triển doanh nghiệp thành lập mới bình quân 4 năm (2016-2019) chỉ đạt 9,6%, trong khi tốc độ doanh nghiệp giải thể bình quân giai đoạn này lên tới 10,42%. Chưa kể, từ cuối năm 2019 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp. Dự kiến, nếu dịch kéo dài đến hết tháng 4, tháng 5 thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải giải thể hoặc ngừng kinh doanh.
Nói về những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, ông Ngô Đa Thọ cho biết: “Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa gần như đình trệ. Doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, sản xuất và lưu kho chứ không xuất bán được, dẫn đến tồn kho ngày càng lớn, nhất là các ngành thủy sản, may mặc, tinh bột sắn, hạt điều...”.
Ông Lê Hoàng Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên cũng cho rằng: “Bệnh” của doanh nghiệp hiện nay là sự đứt gãy về cung cầu, không có mua, không có bán. Do đó, thời điểm này, chúng ta không nên bàn là có khủng hoảng kinh tế hay không mà phải bàn là khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến mức nào. Dịch COVID-19 có thể kéo dài đến bao lâu, chưa ai biết được. Nhưng chắc chắn, sau dịch là thảm họa về kinh tế; hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp từ khi xảy ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 đến nay, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch này. “Về phần mình, Sở KH-ĐT đã phối hợp với các sở, ban ngành địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 và một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của dịch COVID-19 đối với Phú Yên”, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT nói.
Hoạt động xuất nhập khẩu ngưng trệ khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn. Ảnh: LÊ HẢO |
Đề xuất xây dựng quỹ hỗ trợ từ ngân sách địa phương
Tại cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết: Từ khi dịch bùng phát ở các nước, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ chống dịch. Cụ thể là cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, cá nhân chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19; xem xét mức độ thiệt hại của khách hàng để giảm một phần lãi suất; đồng thời cho vay mới với lãi suất thấp hơn 0,5-1% so với mức thông thường, tùy theo đối tượng khách hàng và chính sách của từng ngân hàng.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Duy, Phó Cục trưởng Cục Thuế Phú Yên, đơn vị đã nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như giãn, hoãn thuế, miễn tiền chậm nộp... theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Bên cạnh đó, cơ quan thuế còn xem xét không tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ năm 2020 đối với doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đồng thời đẩy mạnh việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
“Ngoài chính sách vĩ mô từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, hiện doanh nghiệp trông chờ rất nhiều vào hành động của lãnh đạo tỉnh. Bởi trong giai đoạn dịch bệnh, khoan nói đến việc phát triển, doanh nghiệp chỉ tồn tại đã khó. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tỉnh có gói kích cầu trích từ ngân sách địa phương cho các doanh nghiệp khó khăn mượn không lấy lãi để duy trì sản xuất, kinh doanh”, ông Ngô Đa Thọ đề xuất.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Thông, một trong những giải pháp thiết thực mà chính quyền nên làm ngay để hỗ trợ doanh nghiệp lúc này là thúc đẩy đầu tư công, triển khai càng nhiều dự án đầu tư công càng tốt để tạo đòn bẩy phát triển. Bên cạnh đó, chính quyền cần đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, giúp doanh nghiệp sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý, sẵn sàng hấp thụ vốn của các gói kích thích kinh tế sau dịch để triển khai các dự án, tạo sức bật cho đầu tư tư nhân.
Ngay sau cuộc họp, Sở KH-ĐT sớm chủ trì việc đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn để đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp. Sở Tài chính nghiên cứu xây dựng quỹ hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Sở Công thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế |
LÊ HẢO