Kinh tế tập thể ở Phú Yên, mà nòng cốt là các HTX đang trong quá trình thay đổi để phù hợp với chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề nói trên, ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết:
- Cơ chế thị trường hội nhập mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tập thể (KTTT). Cơ hội lớn nhất chính là nâng cao công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, đưa nông sản trở thành hàng hóa trên thị trường, xóa bỏ dần tình trạng sản xuất chỉ để cung cấp nguyên liệu thô với giá rẻ.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra với các HTX cũng không hề nhỏ, khi những yếu kém trong nội tại các HTX chưa khắc phục được. Đó là nguồn nhân lực với trình độ, độ tuổi không đồng đều; nguồn vốn hạn chế; quy mô nhỏ và manh mún… Cùng với đó, các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách cho HTX chưa được khai thông.
Muốn nắm bắt cơ hội, không còn con đường nào khác, các HTX phải tận dụng ưu điểm, tự chuyển mình để vượt qua những khó khăn.
* Quá trình tự chuyển mình cũng là giai đoạn các HTX phải chấp nhận bị đào thải, trong khi đó, số lượng là ưu thế của KTTT. Điều này có bất lợi với các HTX không, thưa ông?
- Về bản chất, KTTT là nơi tập hợp các hộ cá thể yếu thế cùng làm kinh tế nên số lượng thành viên, số lượng HTX luôn đông đảo ở mọi quy mô từ cấp thôn, xóm tới cấp xã, huyện, tới tỉnh. Chính tính cộng đồng cao như vậy đã tạo nên sức mạnh cho thành phần kinh tế này.
Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, KTTT cũng như các thành phần kinh tế khác phải thay đổi theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường. HTX nào còn phù hợp thì tồn tại, không phù hợp sẽ bị đào thải. Những HTX mất đi sẽ được thay thế bằng những HTX mới phù hợp hơn. Điều này được thể hiện rõ nhất tại Quyết định 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả và Chỉ thị 12/CT-TTg về triển khai Luật HTX năm 2012 và thực hiện giải thể các HTX không chuyển đổi.
Như vậy, khi các HTX chấp nhận điều chỉnh để phù hợp với sự vận động chung theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM là các HTX được thanh lọc tự nhiên nên quá trình này đang mang lại lợi ích cho KTTT chứ không hề bất lợi. Hiện, toàn tỉnh thành lập mới 15 HTX và giải thể 14 HTX, duy trì số HTX đang hoạt động 136 HTX với 100% đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012.
Ông Lê Thanh Lam |
* Ông có thể chỉ ra một vài tín hiệu lạc quan cho thấy các HTX ở Phú Yên đang nắm bắt tốt cơ hội?
- Trước đây, các HTX chỉ sản xuất nông sản thô làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy, công ty, nên giá cả bấp bênh, lợi nhuận kinh tế không cao. Nay, nhiều HTX đã xây dựng được quy trình hoàn chỉnh từ sản xuất, chế biến tới đóng gói và tiêu thụ nên thu về lợi nhuận kinh tế cao hơn. Những sản phẩm độc quyền mang thương hiệu HTX có mặt trên các kệ hàng trong siêu thị, nhà hàng là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực của các HTX trong quá trình vượt qua khó khăn, vươn lên hội nhập với cơ chế thị trường.
Năm 2016, toàn tỉnh có 3-4 chuỗi sản xuất của 5-6 HTX với 2 sản phẩm độc quyền. 4 năm sau, 20 HTX xây dựng được 15 chuỗi giá trị nông sản, tạo ra 10 nông sản có thương hiệu độc quyền. Hơn hết, tuy có mặt trên thị trường chưa lâu nhưng những sản phẩm của HTX được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và giá cả.
Một thực tế đáng mừng nữa, mô hình HTX phù hợp với xu hướng hội nhập như hiện nay, nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tư nhân chọn tham gia HTX để phát triển. Từ đó giúp KTTT có thêm những người trẻ, năng động, tạo ra làn gió mới thay đổi cái nhìn về một KTTT cũ không còn phù hợp.
* Thách thức nào đang chờ các HTX ở phía trước và Liên minh HTX tỉnh có kế hoạch gì để đồng hành cùng các HTX?
- Hội nhập có nghĩa là thách thức và cơ hội đi liền nhau, cơ hội càng nhiều thì thách thức càng lớn. Các HTX ở Phú Yên mới bắt đầu quá trình hội nhập nên mọi thứ còn non trẻ, khả năng “miễn dịch” với rủi ro còn rất yếu. Thách thức phía trước với các HTX chính là tăng khả năng cạnh tranh để tồn tại, từng bước khẳng định sự bền vững của thương hiệu HTX trên thị trường.
Liên minh HTX tỉnh có trách nhiệm kết nối các HTX với nhau, tạo sự tương hỗ giữa HTX mạnh với HTX còn hạn chế, huy động vốn đầu tư, thu hút các doanh nghiệp, đơn vị trở thành thành viên HTX hoặc doanh nghiệp trực thuộc HTX. Đơn vị hướng các HTX, nhất là các HTX nông lâm ngư nghiệp tham gia mạnh mẽ vào các chương trình như tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo để vừa hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế hộ vừa tận dụng được những ưu đãi của cơ chế, chính sách…
* Xin cảm ơn ông!
MINH DUYÊN (thực hiện)