Thứ Hai, 18/11/2024 00:32 SA
Chuyển đổi sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu
Thứ Ba, 24/03/2020 07:31 SA

Nông dân Phú Yên thu hoạch mía. Ảnh: PV

Thời gian qua, những tác động của biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Trước tình hình này, tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

 

Hạn hán ngày càng khắc nghiệt

 

Theo Sở NN-PTNT, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, kiểu thời tiết điển hình là nền nhiệt độ tăng cao, vì vậy tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở Phú Yên đã xảy ra và ngày càng nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất đất sản xuất, gây khó khăn cho trồng trọt, chăn nuôi, dễ phát sinh các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi…

 

Cũng theo Sở NN-PTNT, tình trạng nước biển dâng và xâm nhập mặn kết hợp với hạn hán trên diện rộng khiến sản xuất nông nghiệp ở Phú Yên ngày càng khó khăn hơn. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 600ha đất bị nhiễm mặn, tập trung chủ yếu ở các huyện Tuy An, Đông Hòa và TX Sông Cầu. Bên cạnh đó, nắng hạn kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao, hàng ngàn hộ dân ở các huyện miền núi và ven biển thiếu nước sinh hoạt.

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Hàng năm có hàng trăm héc ta đất trồng lúa không có nước gieo sạ phải chuyển đổi sang cây trồng khác và hàng ngàn héc ta lúa đã gieo sạ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất do thiếu nước tưới. Riêng năm 2019, do nắng nóng kéo dài nên trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng khô hạn và có hơn 10.200 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hơn 1.300ha lúa hè thu khô hạn mất trắng, hơn 5.000ha lúa hè thu thiếu nước tưới ảnh hưởng đến năng suất, nhiều diện tích cây trồng khô héo và chết.

 

Cũng trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 70 vụ cháy rừng, làm thiệt hại hơn 1.180ha rừng trồng và khoảng 3.000ha rừng trồng bị chết. Theo dự báo, năm nay khả năng nắng hạn tiếp tục xảy ra, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án, khẩn trương triển khai phòng chống hạn phù hợp từng vùng, từng địa phương…

 

Nông dân huyện Đồng Xuân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu.Ảnh: ANH NGỌC

 

Chủ động ứng phó

 

Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, hàng năm, UBND tỉnh đều xây dựng kế hoạch hành động để ứng phó. Trong đó, nội dung quan trọng nhất được xác định là các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất để đảm bảo sinh kế.

 

Ông Nguyễn Hóa ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), cho biết: Mấy năm gần đây, do thời tiết biến đổi thất thường, mùa khô thì nắng nóng kéo dài, mùa mưa thì lũ lụt làm cho việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết như hiện nay, gia đình tôi đã chuyển đổi giống mía cũ kém năng suất sang trồng các giống mía mới đạt năng suất, chất lượng cao như K95-156, K95-84, KK3…

 

Với năng suất mía bình quân đạt từ 70-90 tấn/ha, gia đình tôi thu nhập từ 5ha mía mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Đối với một số diện tích mía ảnh hưởng nhiều do nắng hạn, gia đình tôi chuyển sang trồng cây ăn quả như bơ, sầu riêng… cũng cho thu nhập cao.

 

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Do nắng hạn, những năm gần đây, một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả vì thường xuyên thiếu nước tưới trong mùa khô, nông dân đã chuyển đổi sang một số cây trồng khác cho hiệu quả cao hơn như đậu phộng, bắp lai, rau màu và các loại cây họ đậu khác. Việc chuyển đổi này đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, thu nhập của người dân ổn định và phù hợp với định hướng của huyện.

 

Tuy nhiên, hiện nay ở huyện Đồng Xuân đang xảy ra tình trạng nhiều diện tích quy hoạch trồng mía đã và đang chuyển đổi sang trồng sắn hoặc trồng rừng (trồng keo). Nguyên nhân một phần là do nắng hạn và gần đây giá thu mua mía nguyên liệu thấp nên người dân chuyển đổi cây trồng. UBND huyện Đồng Xuân đang chỉ đạo Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với các địa phương nắm lại tình hình, số diện tích và tổ chức vận động người dân không nên chuyển đổi ồ ạt, cần chuyển đổi phù hợp với định hướng…

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng cho hay: Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều thiên tai có nguồn gốc từ biến đổi khí hậu. Các hiện tượng này có chiều hướng tăng về cường độ, tần suất và diễn biến khó lường, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động để ứng phó. Theo đó ở khu vực đồng bằng, miền núi, việc chuyển đổi được thực hiện từ trồng cây lúa nước sang rau màu, các loại cây họ đậu ở vùng thiếu nước cục bộ; chuyển đổi từ cây sắn, mía tại vùng năng suất thấp sang cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp…

 

Bên cạnh việc chuyển đổi các loại cây trồng nông nghiệp thuần túy, tỉnh đã có định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ. Ngoài ra, những năm qua, Trung ương và địa phương đã dành ngân sách để thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Các mô hình đều hướng tới xây dựng sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt và có khả năng nhân rộng. 

 

Các địa phương cần có kế hoạch phân phối nước và điều chỉnh hợp lý nguồn nước bị thiếu hụt để đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi…), sản xuất nông nghiệp năm 2020 và thời gian tới; căn cứ tình hình nguồn nước, khả năng bảo đảm cấp nước, tiếp tục điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Các địa phương chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương, rà soát phương án chống hạn để xây dựng kịch bản ứng phó, giải pháp trước mắt và lâu dài…

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek