Thứ Hai, 18/11/2024 07:39 SA
Hiệu quả cánh đồng lúa chuyên canh
Thứ Tư, 18/03/2020 13:00 CH

Mô hình sản xuất lúa chất lượng tại xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa). Ảnh: LÊ TRÂM

Vụ đông xuân 2019-2020, Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa phối hợp với Viện Nghiên cứu duyên hải Nam Trung Bộ, Công ty giống Nha Hố (Ninh Thuận) triển khai mô hình liên kết và tiêu thụ sản phẩm đồng lúa chuyên canh trên diện tích 200ha. Mô hình này áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng lúa cho nông dân; đồng thời tạo mối liên hệ giữa nông dân và các doanh nghiệp, công ty giống để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

 

Cánh đồng lúa chuyên canh

 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, chủ trương của huyện là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tại HTX Nông nghiệp Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa), mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng được triển khai trên diện tích 20ha, sạ 5kg/sào, giống lúa BĐR 27. Nông dân Bùi Văn Tiến ở xã Hòa Tân Tây, cho biết: Khi tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng, chúng tôi rất e ngại bởi chưa rõ năng suất, chất lượng giống thế nào. Tuy nhiên về sau lúa phát triển sung sức, cây to, đẻ nhánh nhiều, ai nấy đều vui mừng.

 

Trên cánh đồng xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa), mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng được triển khai trên diện tích 70ha, giống lúa gieo sạ là ANS 1, BĐR 27. Ông Nguyễn Văn Mạnh tham gia mô hình, cho hay: “Lần đầu tiên sạ giống BĐR 27, tôi thấy giống lúa này thích ứng rộng, cây lúa sinh trưởng rất khỏe, khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh khá tốt nên ít tốn công chăm sóc. Tham gia mô hình tôi được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa năng suất cao. Từ đầu vụ đến cuối vụ, cán bộ nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn nông dân gieo sạ, bón phân”.

 

Tại HTX Nông nghiệp Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), mô hình này được triển khai trên diện tích 20ha, sạ giống lúa BĐR 27. Nông dân Nguyễn Văn Hưng ở xã Hòa Mỹ Tây, tham gia mô hình, phấn khởi nói: “Năm nay đầu vụ gieo sạ thời tiết thuận lợi, thời điểm lúa cúi quằn gié, khi ra thăm đồng, tôi thấy gié lúa trổ dài. Năng suất lúa ước đạt trên 80 tạ/ha, còn ruộng đối chứng chỉ đạt 75 tạ/ha”.

 

Ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX Hòa Mỹ Tây, cho biết: Từ khi triển khai mô hình, HTX trực tiếp cùng nông dân trên đồng ruộng để hướng dẫn, giám sát, nhắc nhở thực hiện nghiêm túc tất cả các khâu sản xuất lúa. Đồng thời hướng dẫn nông dân theo dõi, quản lý dịch hại, ghi chép tình hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ruộng sản xuất theo mô hình này cho năng suất trên 80 tạ/ha, cao hơn sản xuất lúa đại trà 5 tạ/ha.

 

Tiêu thụ sản phẩm cho nông dân

 

Theo ông Trần Nguyễn Lâm Viên, Phó phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa, mô hình này đã giải đáp được bài toán về mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông, mà cốt lõi là mối liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp, trong đó các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi. Mô hình đã đem lại hiệu quả cho bà con nông dân trong việc ứng dụng những biện pháp canh tác tiên tiến để sản xuất, dần dần tạo niềm tin cho bà con nông dân mạnh dạn ứng dụng những biện pháp kỹ thuật mới trong quá trình sản xuất, tạo mối liên hệ giữa doanh nghiệp và nông dân.

 

Cán bộ kỹ thuật Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa hướng dẫn nông dân phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng phương pháp; đồng thời áp dụng kỹ thuật bón phân đúng thời điểm từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, huyện có diện tích lúa nhiều nhất tỉnh (6.500ha), địa hình đồng ruộng tương đối bằng phẳng thuận tiện cho việc tưới, tiêu chủ động, trong đó 90% diện tích được tưới bằng hệ thống thủy nông Đồng Cam. Chủ trương của huyện là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

 

Xuất phát từ những nhu cầu trên, trong những năm gần đây, Phòng NN-PTNT đã chủ động tiếp cận và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trung tâm giống trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa cho nông dân theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch.

 

Ông Đào Văn Roa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Trong năm qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông đạt kết quả, song việc nhân rộng cũng gặp phải một số khó khăn nhất định khi giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân. Trong vụ này, toàn huyện đưa vào sản xuất 200ha các giống lúa triển khai ANS 1, BĐR 27 và ĐV 108, trên cánh đồng các xã Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Tân Tây, Hòa Đồng, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây. Với lượng giống gieo sạ 5kg/sào, nông dân canh tác tốt và đạt năng suất cao so với canh tác truyền thống, đạt mục tiêu tạo mối liên hệ giữa nông dân và các doanh nghiệp, công ty giống. Nông dân sản xuất lúa được các công ty tiêu thụ sản phẩm.

 

MẠNH LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek