Tình hình thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô ở Phú Yên diễn ra nhiều năm nay, nhất là các khu vực miền núi và ven biển. Để góp phần giải quyết vấn đề này, tỉnh có đề án kêu gọi đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn giai đoạn 2017-2025 với hình thức xã hội hóa.
Công trình cấp nước sạch xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) là công trình đầu tiên thực hiện theo đề án nói trên.
Nhu cầu lớn
Những năm gần đây, khi vào mùa khô, đa số người dân ở Triêm Đức, Phước Huệ và Kỳ Đu đều bị thiếu nước sinh hoạt. Gần nhất là mùa khô năm 2019, Xuân Quang 2 có khoảng 690 hộ với hơn 1.720 nhân khẩu tập trung ở 3 thôn này thường xuyên thiếu nước. “Mặc dù trên địa bàn xã có công trình cấp nước tập trung nhưng vào mùa khô, nguồn nước không đảm bảo, nước bị nhiễm phèn nên người dân không thể nấu ăn và uống được”, ông Nguyễn Hữu Hơn ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, nói.
Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 2 công trình cấp nước nông thôn tập trung, cấp nước sinh hoạt cho người dân ở 4 thôn. Trong đó, công trình cấp nước tập trung ở thôn Phú Sơn đến nay vẫn đảm bảo, riêng công trình cấp nước tập trung tại thôn Triêm Đức cấp nước cho 3 thôn Triêm Đức, Phước Huệ và Kỳ Đu thì không đảm bảo.
Theo thiết kế, công trình này có công suất khoảng 150-170m3/ngày đêm, cấp cho khoảng 130 hộ dân, nhưng hiện nay ở 3 thôn này có đến 1.000 hộ có nhu cầu sử dụng nước sạch. Mặc dù huyện và xã đã triển khai nhiều phương án như nạo vét khơi thông các giếng hiện có, đào và khoan thêm giếng mới, chở nước cấp phát cho dân… nhưng chỉ đáp ứng tạm thời chứ chưa thể giải quyết căn cơ.
Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư nhiều công trình cấp nước nông thôn tập trung, xây dựng nhiều giếng đào, giếng khoan nhằm đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết các công trình cấp nước này được đầu tư trước năm 2015 (nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn kết thúc năm 2015), đến nay một số công trình đã xuống cấp, hư hỏng nhưng không được nâng cấp, sửa chữa vì kinh phí rất lớn nên không đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân. Hiện nhu cầu đầu tư các công trình cấp nước nông thôn tập trung tại các địa phương trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Kêu gọi xã hội hóa
Để góp phần giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô ở các địa phương, năm 2017, tỉnh có đề án kêu gọi đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn giai đoạn 2017-2025 với hình thức xã hội hóa. Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT), cho biết: Tháng 9/2019, UBND tỉnh cho phép Công ty TNHH Kỹ thuật kiểm định hiệu chỉnh Toàn Cầu (TP Hồ Chí Minh) đầu tư công trình cấp nước sạch xã Xuân Quang 2. Đây là công trình nước sạch đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đề án xã hội hóa.
“Từ khi có quyết định chủ trương đầu tư đến nay, Công ty TNHH Kỹ thuật kiểm định hiệu chỉnh Toàn Cầu đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai lấy ý kiến từng hộ dân và hầu hết đều đồng tình ủng hộ. Hiện công trình cấp nước sạch xã Xuân Quang 2 đang được triển khai xây dựng, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công cũng như quản lý, vận hành công trình nước này. Chính quyền và người dân mong muốn đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và sớm đưa công trình vào hoạt động nhằm đảm bảo cấp nước trong mùa khô năm nay”, ông Nguyễn Văn Khương, nói.
Theo ông Lê Duy Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật kiểm định hiệu chỉnh Toàn Cầu, công trình cấp nước sạch xã Xuân Quang 2 có công suất 1.000m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư hơn 18 tỉ đồng, đảm bảo cấp nước sạch cho khoảng 1.000 hộ dân. Từ khi có chủ trương đầu tư đến nay, doanh nghiệp đã thi công 2 giếng đào (đường kính 2m/giếng) kết hợp giếng khoan và thi công các tuyến ống, bể chứa nước…, ước đạt hơn 60% khối lượng công việc. Theo kế hoạch, đến giữa tháng 9/2020 công trình sẽ hoàn thành; nhưng hiện doanh nghiệp khẩn trương vận chuyển các thiết bị máy móc về lắp ráp và cố gắng làm xong công trình trong tháng 7/2020 để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Theo khảo sát, nắm tình hình và báo cáo của các địa phương, hiện nay bắt đầu bước vào mùa khô, tình hình hạn hán chưa xảy ra, vẫn còn đảm bảo nước sản xuất, nước sinh hoạt. Thời gian tới, nếu hạn hán xảy ra thì huyện Đồng Xuân có khoảng 1.855 hộ với hơn 5.240 nhân khẩu tập trung chủ yếu ở 5 xã gồm Đa Lộc, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 và Xuân Lãnh có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch chống hạn năm 2020 và chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp với các địa phương khẩn trương kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình và triển khai phương án chống hạn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Công trình nước sạch ở xã Xuân Quang 2 được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, địa phương rất ủng hộ. Nếu công trình nước sạch này phát huy hiệu quả, giải quyết được vấn đề nước sạch nông thôn hiện nay thì huyện sẽ kiến nghị tỉnh cho chủ trương để tiếp tục đầu tư tại các địa phương thường xuyên thiếu nước còn lại trên địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Phạm Trung Chánh |
ANH NGỌC