Đến nay, toàn tỉnh hoàn thành 15 chuỗi giá trị nông nghiệp tại các HTX, tăng 10 chuỗi so với 2 năm trước. Có được kết quả này, ngoài nỗ lực của các HTX, còn có sự đồng hành tích cực từ các sở, ban ngành và các đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Trách nhiệm đồng hành
Theo Sở KH-ĐT, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ gần 52 tỉ đồng cho các HTX xây dựng cơ sở hạ tầng nhà xưởng chế biến... Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết: Thực hiện chủ trương đổi mới, kiện toàn hoạt động các HTX thành mô hình HTX kiểu mới, đơn vị luôn tìm cách giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ để HTX nâng cao hoạt động, trong đó tập trung vào các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở, trang thiết bị máy móc hiện đại hóa dây chuyền sản xuất.
Đơn vị ưu tiên những HTX có sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tổ chức sản xuất tốt, hoàn thiện các dịch vụ hậu cần… Mới đây, đơn vị phối hợp với Bộ KH-ĐT khảo sát hoạt động của HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) và HTX Muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu) để 2 HTX này tham gia vào đề án Nhân rộng mô hình HTX kiểu mới của Chính phủ. Từ đây, HTX được hỗ trợ vốn, kiến thức để nâng cao giá trị của chuỗi sản phẩm…
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở NN-PTNT đã hỗ trợ 7 HTX 490 triệu đồng mua máy móc trang thiết bị củng cố hoạt động của chuỗi giá trị nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc sở này, chuỗi giá trị sản xuất có ý nghĩa rất lớn trong việc củng cố hoạt động của các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp. Đó là tiền đề để các HTX vươn ra thị trường, khẳng định vị thế và giúp người dân nâng cao kỹ thuật sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ.
Từ nguồn vốn này, đơn vị hỗ trợ các HTX mua máy móc hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất như mua máy sấy con tằm giúp HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) đa dạng chuỗi giá trị trồng dâu nuôi tằm, sản xuất rượu tằm; hỗ trợ mua bao bì đóng gói sản phẩm gạo chất lượng cao, gạo sạch, gạo hữu cơ để HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) hoàn thiện chuỗi giá trị trên cây lúa từ sản xuất đến chế biến, đóng gói; sắm máy sấy khóm khô và máy rót chai lớn cho sản xuất nước ép khóm của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) để các sản phẩm từ cây khóm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…
Còn nhiều khó khăn
So với các chuỗi liên kết sản phẩm nông lâm thủy sản của các đơn vị kinh tế khác thì chuỗi liên kết nông sản của các HTX quy mô nhỏ, tính ổn định thấp. Ông Nguyễn Lý Nguyên cho biết thêm: Trên địa bàn tỉnh xây dựng thành công các chuỗi liên kết như chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của các công ty TNHH Bá Hải, TNHH Nguyễn Hưng, Hưng Thịnh, được hình thành theo đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi; hay các chuỗi dọc liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi như Trại nuôi heo Vi Văn ở huyện Đông Hòa, Trại nuôi gà sạch Đồng Lợi (huyện Phú Hòa)…
Các chuỗi này ở quy mô cấp tỉnh được đầu tư công nghệ hiện đại, kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho giá trị kinh tế cao. Trong khi đó, chuỗi giá trị tại các HTX quy mô nhỏ, ở phạm vi xã gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm làng nghề. Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất trong thành viên HTX còn chưa bền vững nên chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định. Những điều đó dẫn đến việc HTX phải tự tiêu thụ sản phẩm chứ chưa thể hòa nhập vào hệ thống chuỗi cung ứng quy mô lớn. Vì vậy cần đẩy mạnh liên kết giữa các HTX cùng sản phẩm để mở rộng quy mô chuỗi giá trị. Ví dụ, sản phẩm lúa giống đã hình thành chuỗi liên kết tại 7 HTX; nếu 7 HTX này tập hợp thành chuỗi liên kết sản xuất lúa giống quy mô cấp tỉnh thì diện tích sản xuất sẽ tăng lên hơn 500ha thay vì manh mún chỉ 15ha, 20ha, 68ha mỗi HTX như hiện nay…
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Để đảm bảo tính bền vững của chuỗi giá trị nông nghiệp tại các HTX, đơn vị định hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với các sản phẩm chủ lực. Hiện nay, đơn vị đang thực hiện với sản phẩm gỗ rừng trồng. Trong đó, tất cả các HTX có hoạt động sản xuất lâm nghiệp liên kết lại với nhau, liên kết với HTX tiêu thụ gỗ. Đơn vị đứng đầu chuỗi này là HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên có sự đảm bảo đầu ra của Công ty TNHH MTV Bảo Châu. Đối với các sản phẩm nông nghiệp khác, đơn vị cũng đã khảo sát số lượng HTX có cùng sản phẩm chủ lực để có kế hoạch liên kết các HTX này và kêu gọi các doanh nghiệp, các công ty tham gia trở thành thành viên trực thuộc HTX. Hiện sản phẩm lúa giống có 7 HTX, hạt sen có 4 HTX, rau củ quả có 3 HTX, gạo chất lượng cao có 2 HTX… xây dựng chuỗi giá trị. Đây sẽ là tiền đề để xây dựng mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị quy mô toàn tỉnh cho các HTX.
Nhiều HTX phải tự tiêu thụ sản phẩm chứ chưa thể hòa nhập vào hệ thống chuỗi cung ứng quy mô lớn. Vì vậy cần đẩy mạnh liên kết giữa các HTX cùng sản phẩm để mở rộng quy mô chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT |
MINH DUYÊN