Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đang từng bước thay đổi bộ mặt thôn, buôn vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Sản xuất phát triển, hạ tầng cơ sở được đầu tư, đời sống của người dân ngày một nâng cao.
Người dân phấn khởi
Ông Cao Trọng Thuần ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) vui mừng chỉ vào con đường lên rẫy bên hông nhà, nói: “Trước đây, đường dốc trơn trượt, đi rẫy khó nhọc lắm, phải bấm chân vào đất mới không bị ngã; mỗi vụ thu hoạch công vận chuyển cũng cao hơn. Tôi cũng định tự đầu tư kinh phí làm đường đi lại cho thuận lợi để còn phát triển sản xuất, lo kinh tế gia đình nhưng không đủ khả năng vì chi phí lớn. Cho tới khi tỉnh có chủ trương bê tông hóa đường lên khu sản xuất, chính quyền hỗ trợ thực hiện, con đường được bê tông sạch sẽ, an toàn. Tôi giảm được nhiều chi phí sản xuất, có cơ hội đa dạng hóa cây trồng, thu nhập tăng và cuộc sống ngày một ổn định”.
Với đồng bào ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), NTM đang thổi làn gió mới vào nơi đây. Ông La Văn Ty, Bí thư Chi bộ thôn Xí Thoại, cho biết: Nguồn vốn NTM cùng vốn chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp cơ sở hạ tầng trong thôn ngày một khang trang. Nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà ở khu dân cư, đường vào thôn được bê tông xi măng, thuận lợi cho cả việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân. Hiện thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt 20 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 4-5%. 98% hộ trong thôn có xe máy, điện thoại, trang thiết bị nghe nhìn… phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Người dân ở huyện Sơn Hòa thấy được lợi ích thiết thực của chủ trương xây dựng NTM mang lại cho bản thân, gia đình và cộng đồng nên phấn khởi chung sức, chung lòng cùng chính quyền đẩy mạnh thực hiện. 5 năm qua, toàn huyện huy động được hơn 140 tỉ đồng cho xây dựng NTM, trong đó người dân đóng góp hơn 7,8 tỉ đồng. Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, chia sẻ: Sản xuất nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương, nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu và giá cả thị trường không ổn định. Toàn huyện có 37 thôn, buôn đặc biệt khó khăn vẫn phải phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước. Trong điều kiện như vậy nhưng bà con vẫn tích cực góp công, góp của vì sự phát triển chung. Đến nay, toàn huyện đạt 166 tiêu chí, 2 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt từ 17 tiêu chí, 5 xã đạt từ 11-14 tiêu chí, 4 xã đạt 8-9 tiêu chí.
Gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp
Ông Phạm Đình Phụng cho biết thêm, tại địa phương, hơn 80/129km đường nông thôn đã hoàn thành. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có bò lai sinh sản để phát triển chăn nuôi, có giống lúa, mía, sắn mới và gieo trồng. Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp và nhân dân huyện Sơn Hòa phấn đấu đạt cho được mục tiêu hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Còn huyện Sông Hinh phấn đấu đến cuối năm nay có 6/10 xã đạt chuẩn NTM, tăng 2 xã so với năm 2019 và xây dựng xã Đức Bình Tây là xã NTM nâng cao. Theo UBND huyện Sông Hinh, địa phương tiếp tục lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn thực hiện xóa đói, giảm nghèo gắn với triển khai chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ. Đồng thời, địa phương này tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp về nông thôn đầu tư, nhất là các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản…
Theo ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, ở vùng miền núi dân tộc thiểu số của tỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội hạn chế, địa hình phức tạp nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất tại đây gặp khó khăn. Thời gian qua, nhờ có chương trình xây dựng NTM cùng các chính sách hỗ trợ khác đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây. Từ chỗ đi lại khó khăn, hiện nay, hầu hết các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn và đường lên khu sản xuất đã được bê tông hóa. Cùng với đó, các công trình nước tập trung, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế, công trình thủy lợi… phục vụ dân sinh, hỗ trợ sản xuất cũng được hoàn thiện. Đến nay, toàn vùng miền núi của tỉnh có 19/45 xã, đạt chuẩn NTM.
Từ chỗ đi lại khó khăn, hiện nay, hầu hết các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn và đường lên khu sản xuất đã được bê tông hóa. Cùng với đó, các công trình nước tập trung, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế, công trình thủy lợi… phục vụ dân sinh, hỗ trợ sản xuất cũng được hoàn thiện.
Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh |
MINH DUYÊN