Thời tiết bất thuận khiến sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân ở Phú Yên thất bát. Thêm vào đó, giá cả ngày một tăng cao, khiến người dân phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong cuộc sống.
THIẾU CẢ LÚA ĂN LẪN LÚA GIỐNG
Nhiều vùng nông thôn Phú Yên đang thu hoạch vụ lúa đông xuân. Ông Lê Danh ở xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa “huy động” cả nhà ra ruộng nhặt nhạnh những bông lúa còn sót lại trên thửa ruộng 1,5 sào tại cánh đồng Hà Tân. Ông Danh cho biết, mọi năm vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, đám ruộng này ít nhất cũng thu được gần 300 kg lúa, nhưng năm nay khả năng chỉ thu được một, hai bao là cùng. “Đợt lụt kéo dài cả chục ngày hồi trung tuần tháng 11/2007, cộng thêm thời tiết rét lạnh cho đến tận sau Tết Nguyên đán khiến hàng loạt ruộng lúa ở khu vực này bị hư hại gần như toàn bộ” – ông Danh cho biết.
Cạnh đám ruộng ông Danh là ruộng ông Phan Lịnh, cũng đang thu hoạch. Với vẻ mặt buồn rầu, ông Lịnh bộc bạch: “Mất sạch rồi chú ơi! Vợ chồng tôi đang tính thu hoạch cho xong rồi đi làm ăn xa, kiếm tiền cho tụi nhỏ ở nhà đong gạo”. Ông tính toán: “Một sào ruộng, tôi đầu tư gần 200.000 đồng gồm lúa giống, tiền nước, tiền cày, tiền phân bón, nhưng bây giờ thu hoạch chưa được 50kg thì lấy gì sống?”.
Vòng quanh các cánh đồng ở các xã Hòa Tâm, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam... tôi chứng kiến hàng loạt những đám ruộng không có lúa để gặt. Cảnh nhàn nhã của những người cắt và gánh lúa thuê ngay giữa mùa vụ.
“Vụ đông xuân năm nay, xã Hòa Xuân Đông gieo sạ được 792 ha, đến nay thu hoạch trà đầu được 190 ha, với năng suất bình quân 15 tạ/ha. Đây là năng suất thấp nhất từ trước đến nay. Tình hình như thế này thì việc thiếu cả lúa ăn lẫn lúa giống sản xuất cho vụ tới là chắc chắn” - ông Phạm Minh Tùng, phụ trách kinh tế - kế hoạch UBND xã Hòa Xuân Đông cho hay. Ông Tùng phân tích: “Vụ đông xuân năm 2007, năng suất bình quân toàn xã đạt 60 tạ/ha, còn năm nay thì xuống thấp quá. Số lúa vừa thu hoạch lại mang nhiều mầm bệnh nên để lại làm giống cũng không có chất lượng bao nhiêu. Trong khi đó, các hợp tác xã chủ yếu làm dịch vụ nước, cày, chứ không có tiền để mua lúa giống, phân bón cung ứng cho xã viên”.
Giá các mặt hàng thực phẩm ở chợ Tân Yên (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh) tăng vùn vụt – Ảnh: X.HUY |
LAO ĐAO VÌ GIÁ
Lúa mất mùa, trong khi giá cả tăng cao khiến người dân vùng nông thôn, miền núi phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Bà Lê Thị Thoa ở xã Hòa Tâm thổ lộ: “Lúa mất mùa, gạo và hàng loạt nhu yếu phẩm dành cho sinh hoạt hàng ngày lên giá khiến đời sống chúng tôi thực sự khó khăn. Thật không biết xoay xở thế nào khi trước kia cầm 20.000 đồng đi chợ cho cả nhà ăn được một ngày, còn bây giờ phải cầm 50.000 đồng mới có được ngày ăn tàm tạm”.
Theo Cục thống kê tỉnh, hiện chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 trên địa bàn Phú Yên tăng 2,85% so với tháng 2 và tăng 23,99% so với cùng kỳ năm 2007.
Ở các huyện miền núi, đời sống người dân còn khó khăn hơn khi giá hầu hết các mặt hàng đều cao hơn miền xuôi. Tại chợ ngã ba Tân Yên (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh), thịt heo đùi chênh với TP Tuy Hòa gần 10.000 đồng/kg, cá ba sa hơn 15.000 đồng/kg, gà nguyên con chênh tới 18.000 đồng/kg… Ngoài ra, các mặt hàng khác như dầu gội, dầu ăn dù giá đã được niêm yết sẵn trên bao bì sản phẩm nhưng khi bán ra vẫn cao hơn thực tế từ 3.000 – 5.000 đồng. Chị Trần Thảo Yên Chi ở thôn Tân Lập (xã Ea Ly) giãi bày: Hôm trước tôi mua nửa lạng cá chỉ có 9.000 đồng nhưng hôm nay đã vọt lên hơn 13.500 đồng. Gạo là tăng mạnh nhất, mấy ngày nay đã lên hơn 12.500 đồng/kg (loại thường). Giá cứ phi nước đại kiểu này khiến tôi lo quá!”.
Lâu nay, thị trường miền núi chưa được vận hành theo cơ chế cung cầu tương thích. Hầu hết các nguồn hàng lên đây đều do một số tiểu thương, đầu nậu là người vùng khác đảm trách nên mỗi khi xăng dầu tăng là mọi thứ hàng hóa cũng vù vù tăng theo, khiến cuộc sống người dân miền núi lao đao.
VĂN TÀI – XUÂN HUY