Thứ Hai, 30/09/2024 20:34 CH
Lối đi nào cho những làng chiếu?
Thứ Hai, 14/04/2008 11:00 SA

Thời gian qua, những làng nghề dệt chiếu cói ở Phú Yên đã được các ngành chức năng đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị, đào tạo nâng cao tay nghề cho dân. Tuy nhiên đến nay, các làng nghề vẫn “dậm chân tại chỗ” với việc sản xuất sản phẩm duy nhất là chiếu cói, giá trị thu nhập không cao, thiếu sự cạnh tranh.

 

080414-dan-chieu.jpg

Sản xuất chiếu ở làng nghề Phú Tân (An Cư, Tuy An) - Ảnh: BÍCH HÀ

 

TỒN TẠI NHƯNG KHÔNG PHÁT TRIỂN

 

Phú Yên hiện có hai làng nghề dệt chiếu cói truyền thống là Phú Hòa (Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa) và Phú Tân (An Cư, Tuy An). Đây là những làng nghề tồn tại lâu đời, đến nay còn trên 600 hộ theo nghề, phần lớn là hộ nghèo, trong đó lao động nữ tham gia sản xuất chiếm gần 60%. Ước tính sản lượng chiếu dệt cả năm của hai làng nghề này trên 300.000 đôi, bình quân một tháng mỗi hộ dệt khoảng 30 đôi. Với giá chiếu bán ra 30.000 đồng/đôi, mỗi hộ thu nhập khoảng 900.000 đồng/tháng. Sản phẩm được tiêu thụ tại Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên. Việc tiêu thụ chỉ trông chờ vào tư thương hoặc bỏ mối ở các chợ nên không thể tránh khỏi tình trạng ép giá.

 

Trong những năm qua, từ nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân và vốn khuyến công, Hội Nông dân cùng Sở Công thương Phú Yên đã triển khai dự án khôi phục các làng nghề dệt chiếu. Số lao động được học nghề, đào tạo nâng cao tăng lên; vào lúc nông nhàn có đến 500 lao động tham gia dệt chiếu. Dự án còn trang bị vật tư, thiết bị cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm như máy chẻ cói, máy xe trân. Sở Công thương Phú Yên còn mời nghệ nhân từ Ninh Bình về truyền đạt kỹ thuật đan các sản phẩm mỹ nghệ từ cói như túi xách, giỏ, mũ… cho dân làng nghề Phú Tân. Xí nghiệp tư doanh Đổi Mới (đơn vị chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cói xuất khẩu ở Ninh Bình) đã giúp tiêu thụ lượng hàng được làm ra trong giai đoạn người lao động học nghề. Làng nghề Phú Tân sẽ làm vệ tinh cho đơn vị này nếu sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng cũng như số lượng. Bên cạnh đó, phải hình thành các đầu mối gom hàng và chịu chi phí vận chuyển.

 

Thực tế người làng nghề này không mặn mà với việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cói. Bà Phan Thị Mai, một người dân ở Phú Tân, giải thích: “Làm hàng mỹ nghệ nhọc công vì kỹ thuật đan khó, lại hao tốn nguyên liệu nhưng giá bán ra thấp, không có lời”. Anh Nguyễn Văn Thành, một thợ dệt chiếu ở đây, nói: Giá nguyên vật liệu tăng mà giá bán không tăng, càng làm càng lỗ vốn. Học xong rồi chẳng áp dụng được là bao”.

 

LÀM GÌ ĐỂ VƯƠN LÊN?

 

Một thợ dệt đến từ làng nghề dệt chiếu cói Nga Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Hiện nay, ngoài thị trường trong nước, sản phẩm chiếu cói của nhiều nơi đã được xuất khẩu mang lại nguồn lợi lớn. Bên cạnh dệt chiếu, người ta còn dệt thảm, đan các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

 

Hiện nay thị trường hàng chiếu cói khá tấp nập ở phía bắc như Ninh Bình, Thanh Hóa, các cửa khẩu và phía nam, nhất là TP Hồ Chí Minh. Người làng nghề phải tạo chỗ đứng cho sản phẩm của mình. Làng nghề nghèo rất cần có cơ sở dịch vụ hậu cần làm đầu mối mua gom. Khi doanh nghiệp chưa xuất hiện, cần có người đại diện đứng ra làm chỗ dựa hợp nhất, bàn bạc tìm hướng đi cho làng nghề.

 

Muốn tồn tại, phát triển trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt, các làng nghề phải bỏ tính thụ động, được chăng hay chớ, phải năng động sáng tạo, chủ động tìm kiếm, hòa nhập vào thị trường lớn. Bà Tô Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương Phú Yên, cho biết: Ngoài việc đào tạo nghề, chúng tôi còn giúp người dân tiếp cận với các cơ sở thủ công mỹ nghệ ở phía bắc - đầu mối tiêu thụ - thông qua việc mời chủ cơ sở vào truyền đạt nghề. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm còn kém do lâu nay chỉ quen làm hàng chợ, chưa tiếp cận với thị trường khó tính. Sản phẩm đem ra chào hàng chưa đạt yêu cầu nên giá thành khá thấp, điều này làm người lao động nản lòng. Mặt khác, nơi đây chưa xuất hiện những “hạt nhân” tích cực vực dậy làng nghề. Thợ lành nghề thiếu nên khi đối tác đặt hàng với số lượng lớn, làng nghề không đáp ứng kịp. Những người thợ cũng không sáng tạo nhiều mẫu mã mới thu hút khách hàng.

 

Kiểu sản xuất mạnh ai nấy làm, không chịu liên kết, thụ động chờ khách đến đặt hàng… cũng là lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của làng nghề. Muốn vươn lên, làng nghề phải có vốn đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

BÍCH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek