Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là kênh vốn có hiệu quả nhất nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. Tuy vậy, thời gian gần đây việc giải ngân các nguồn vốn ưu đãi lại nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận như: tình trạng cán bộ các hội, đoàn thể ở cơ sở vay “ké”; người vay phải đóng lệ phí... Xung quanh vấn đề này, Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tại Phú Yên.
NHCSXH và Hội Phụ nữ phối hợp kiểm tra nguồn vốn ủy thác – Ảnh: N.QUANG |
* Ông có thể cho biết việc giải ngân các nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vay được thực hiện như thế nào?
- Hiện NHCSXH chi nhánh tại Phú Yên đang triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng vốn đầu tư đạt trên 520 tỉ đồng. Đa số hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Hiện Phú Yên vẫn còn khoảng 31.000 hộ nghèo. Những đối tượng có nhu cầu vay vốn liên hệ qua tổ vay vốn và tiết kiệm của các hội, đoàn thể như Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên tại các thôn, buôn, khu phố để gia nhập tổ và được hướng dẫn vay vốn. Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn có trách nhiệm hướng dẫn người dân lập hồ sơ vay, sau đó chuyển sang cán bộ phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo xã để đối chiếu danh sách rồi trình lãnh đạo xã, phường, thị trấn ký xác nhận và chuyển qua NHCSXH giải ngân.
* Công tác giải ngân các nguồn vốn ưu đãi đang có vấn đề. NHCSXH có phát hiện trường hợp tiêu cực nào không?
- Qua kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện một số trường hợp cán bộ các hội, đoàn thể vay “ké” và thu các khoản lệ phí của hội từ nguồn vốn vay ưu đãi tại các xã Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, Hòa Vinh (huyện Đông Hòa)... Việc làm này trái với quy định, vì mục đích giải ngân các nguồn vốn ưu đãi là để phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao mức sống người nghèo chứ không phải để cấn trừ khoản lệ phí hoạt động các hội, đoàn thể. Để nảy sinh những tiêu cực nêu trên một phần là do công tác tuyên truyền về các chương trình tín dụng ưu đãi đến bà con còn hạn chế. Ngoài ra, tâm lý nôn nóng, muốn nhanh được việc của người vay đã vô tình làm cho đồng vốn sử dụng sai mục đích và tiếp tay cho tiêu cực.
* Người vay vốn có phải đóng các chi phí nào không, thưa ông?
- Tôi khẳng định rằng, hộ nghèo và các đối tượng chính sách đi vay vốn không phải đóng bất cứ chi phí nào. Khi nhận ủy thác vốn, NHCSXH đã trích hoa hồng cho các hội, đoàn thể rồi. Mọi hồ sơ giấy tờ ngân hàng phát miễn phí, người vay chỉ phải làm đơn xin vay. Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn có trách nhiệm lập toàn bộ hồ sơ chứng từ vay vốn gồm: danh sách người vay vốn kèm theo hợp đồng ủy nhiệm giữa ngân hàng và Tổ tiết kiệm và vay vốn. Sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định, các hộ vay vốn sẽ được giải quyết cho vay.
* Để nguồn vốn ưu đãi thực sự đến đúng đối tượng, thời gian tới, NHCSXH chi nhánh tại Phú Yên sẽ có những giải pháp gì?
- Để đồng vốn ưu đãi của Nhà nước thực sự mang lại hiệu quả, bên cạnh nâng mức cho vay tương xứng với giá cả thị trường, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn cũng được NHCSXH chi nhánh tại Phú Yên tính đến. Chúng tôi cũng sẽ chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể và tổ chức chính trị tăng cường công tác tuyên truyền về 6 công đoạn nhận ủy thác; kiểm tra, giám sát quy trình giải ngân và sử dụng nguồn vốn nhằm xử lý những trường hợp xâm tiêu, vay “ké”, những đối tượng không thuộc diện vay. Hàng tháng, ngân hàng sao kê toàn bộ danh sách dư nợ như nợ trong hạn, nợ đến hạn, quá hạn, nợ khoanh, lãi phải thu của các chương trình gởi về địa phương, các hội đoàn thể để theo dõi và đôn đốc.
* Xin cảm ơn ông!
ĐĂNG NGUYÊN (thực hiện)