Thứ Ba, 19/11/2024 22:18 CH
Nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gia cầm
Thứ Tư, 19/02/2020 07:33 SA

Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại xã An Phú (TP Tuy Hòa). Ảnh: CTV

Ngành Nông nghiệp khuyến khích người nuôi gia cầm ở các địa phương phát triển chăn nuôi gà, vịt theo chuỗi phục vụ chế biến và xuất khẩu. Qua đó từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ khó kiểm soát sang chăn nuôi trang trại tập trung có quản lý và được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định để tăng khả năng cạnh tranh.

 

Chăn nuôi nông hộ

 

Thống kê của Sở NN-PTNT, hiện đàn gia cầm của tỉnh có gần 3,9 triệu con, trong đó đàn gà có khoảng 2,3 triệu con, chiếm 58,9% tổng đàn. Chăn nuôi gà chủ yếu tại hộ gia đình, chăn nuôi trang trại còn ít.

 

Hiện toàn tỉnh chỉ có 10 trang trại, với số lượng bình quân khoảng 70.000 con, chiếm 3,5% tổng đàn. Số còn lại chăn nuôi theo hình thức nông hộ, chủ yếu là tự cung tự cấp, không chủ động trong việc tiêu thụ, sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào thương lái thu mua.

 

Ông Nguyễn Văn Long ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), cho hay: Tôi nuôi đàn gà 100 con, trong đó có 20 gà mái đẻ lấy trứng bán, còn lại nuôi gà bán thịt. Đối với gà thịt, nuôi từ gà con lớn thành gà giò rồi bán cho các thương lái bỏ mối cho các quán ăn, quán nhậu, còn trứng thì bán chợ, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng.

 

Còn ông Bùi Minh Quang ở xã An Thạch (huyện Tuy An) chăn nuôi vịt, cho hay: Tôi nuôi đàn vịt đẻ 2.000 con, trung bình mỗi ngày đẻ 1.600-1.800 trứng, lúc thì bán cho các lò ấp trứng, lúc thì bán chợ, không có đầu ra ổn định nên giá bấp bênh. Trung bình mỗi tháng sau khi trừ cám, lúa, công chăn vịt thì bỏ túi 5 triệu đồng. Đó là chạy đồng thuận lợi, có năm xảy ra dịch bệnh vịt chết thì phủi tay về không.

 

Bên cạnh những lợi ích mang lại, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán phải đối mặt với những nguy cơ gây bất lợi. Chẳng hạn như hiện nay trên địa bàn Phú Yên chưa có cơ sở sản xuất con giống có quy mô lớn, do đó con giống đưa vào chăn nuôi không rõ nguồn gốc, chất lượng con giống còn thấp, đặc biệt một số hộ dân chăn nuôi tự mua giống bên ngoài về không qua kiểm dịch nên khó kiểm soát.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y, người chăn nuôi chưa chú trọng công tác tiêm phòng nên tỉ lệ tiêm phòng cho đàn gia cầm đạt thấp, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại không được thường xuyên và không đúng theo quy định. Thường người chăn nuôi mua số lượng ít, phương tiện vận chuyển thô sơ, trốn trạm kiểm dịch. Chính vì sự hiểu biết của người chăn nuôi và thú y cơ sở về bệnh cúm gia cầm còn hạn chế, chưa thấy được tính chất nguy hiểm của bệnh đối với con người nên còn chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao.

 

Nâng cao hiệu quả kinh tế

 

Thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên lĩnh vực chăn nuôi thú y theo kế hoạch đề ra là ổn định đàn gia cầm khoảng 3,5 triệu con, sản lượng trứng khoảng 185 triệu quả, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng và triển khai thành công các mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học, chăn nuôi gà sinh sản an toàn sinh học có sử dụng đệm lót sinh học (làm từ vỏ trấu, bột sắn và chế phẩm men Balasa N01) và mô hình chăn nuôi gà theo chuỗi liên kết.

 

Qua chương trình và các mô hình đã giúp bà con chăn nuôi hiểu và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm bảo vệ đàn gia cầm luôn khỏe mạnh, không bị xâm nhập của mầm bệnh vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng và đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo ra sản phẩm thịt, trứng sạch. Bà Trần Thị Thu ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Tôi tham gia mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học và nhận thấy hình thức nuôi này giúp phân hủy hiệu quả chất thải và mùi hôi. Môi trường nuôi sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế được nhiều loại dịch bệnh.

 

BàHuỳnh Thị Kim Nga, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, cho biết: Vấn đề phát triển chăn nuôi và ô nhiễm môi trường luôn tồn tại song song với nhau. Vậy để phát triển chăn nuôi gà thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đó là chú trọng phát triển chăn nuôi gà theo hướng công nghiệp và an toàn sinh học hướng đến chăn nuôi theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt trong chăn nuôi gà nông hộ (VietGAHP nông hộ).

 

Trong đó chú ý vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng sử dụng các chế phẩm sinh học hoặc làm đệm lót trong chăn nuôi gà. Các huyện, thị xã và thành phố, tạo điều kiện để các cơ sở và hộ gia đình có chăn nuôi di dời đến các khu chăn nuôi tập trung theo quy hoạch của tỉnh. Chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ khó kiểm soát sang chăn nuôi trang trại tập trung có quản lý và được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định…

 

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, trong đó có gà vịt, cần đưa chăn nuôi theo hướng tập trung, làm giảm thấp nhất mức tổn thất do dịch bệnh gây ra. Vì khi chăn nuôi tập trung người dân chủ động thực hiện công tác tiêm phòng, kiểm soát được dịch bệnh trên đàn gia cầm, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Qua đó nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

 

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên

 

MẠNH LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek