Vùng miền núi của tỉnh đa dạng các loại nông sản có giá trị. Bắt kịp yêu cầu của thị trường, nhiều hộ dân đã tìm cách xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của mình theo những cách khác nhau.
Ông Thuần tự rang xay và đóng gói cà phê cho khách. Ảnh: MINH DUYÊN |
Có thương hiệu, rộng đầu ra
Cà phê Ông Bảy là thương hiệu cà phê mà ông Cao Trọng Thuần ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), muốn xây dựng cho mình. Ông Thuần cho biết: Tôi trồng hơn 1.000 gốc cà phê. Ngày trước, tôi chỉ bán thô cho thương lái ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai… Tính ra, sau khi trừ chi phí phân thuốc cộng với giá cả không ổn định, tôi còn lại không được bao nhiêu. Nhiều lúc bản thân muốn uống ly cà phê phải đi mua ngoài quán, giá thành phẩm so nguyên liệu ban đầu mình bán ra cao hơn tới hàng chục lần. Tôi thấy, hạt cà phê trải qua một quy trình từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ, người nông dân thụ hưởng ít nhất. Từ đây, tôi quyết định học hỏi kỹ thuật rang xay và mua máy móc về làm. Sau vài tháng, tôi đã có được sản phẩm cà phê nguyên chất tự tay mình làm, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa thu lợi nhuận cao hơn. Thời gian đầu, tôi chủ yếu bán cho khách quen nên lượng khách không nhiều. Đến khi tôi in trên bao bì của mình danh xưng cà phê Ông Bảy có số điện thoại, địa chỉ cụ thể thì khách lạ tìm tới nhiều hơn. Họ tận mắt thấy vườn cà phê, tay sờ từng hạt cà phê nguyên chất và xem cách tôi rang xay thì rất yên tâm.
Tại xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), chính quyền và người dân đang nỗ lực xây dựng thương hiệu độc quyền đối với sản phẩm dầu đậu phộng do các hộ dân nơi đây sản xuất. Bà Nguyễn Thị Thơ ở xã Xuân Phước, cho biết: Trước đây, tôi cũng như nhiều người dân trong xã nghĩ đơn giản là mình làm ra sản phẩm tốt ắt sẽ có người tìm tới mua, còn nhãn mác chỉ là “cái áo” bên ngoài. Cho tới khi tôi thấy thực tế nhiều nông sản ở các xã khác nhờ có thương hiệu mà được xuất khẩu, được bán trong siêu thị, khách cứ tìm tới mua mà không phải nhọc công giới thiệu. Từ đó, tôi mong sản phẩm dầu đậu phộng của xã có thương hiệu để bà con bán được nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước, cây đậu phộng hợp đất cho sản lượng cao nhưng bán cho thương lái thì bấp bênh và bị làm giá. Bà con cũng có thể mua máy về ép dầu nhưng sản phẩm sau đó chỉ biết bán trôi nổi. Bởi trên thị trường, khách hàng khi tiếp cận với sản phẩm đều muốn biết rõ nguồn gốc qua thông tin in trên bao bì. Hiểu được giá trị mà thương hiệu độc quyền mang lại, chính quyền cùng với HTX đang từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của bà con.
Chủ động từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ
Cũng theo ông Dư, thứ mà HTX thiếu là vốn để đồng bộ công nghệ và thị trường ổn định. Điều này không thể ngày một ngày hai mà giải quyết được nên cần sự tiếp tục đồng hành của các cấp chính quyền.
Ông Trần Ngọc Phú ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), người xây dựng thành công thương hiệu hạt sachi rang sấy, chia sẻ kinh nghiệm: Khi xác định xây dựng thương hiệu là tính tới sản xuất chuyên nghiệp theo hướng bền vững. Muốn vậy cần nắm thế chủ động trong tất cả các khâu từ diện tích sản xuất, công nghệ chế biến đến đối tượng khách hàng và thị trường tiêu thụ vì những điều này quyết định đến sản lượng, quy mô chế biến và khả năng đáp ứng yêu cầu hợp đồng của đối tác. Một hộ cá thể cần rất nhiều thời gian để sản phẩm có mặt trên thị trường, điều này có thể làm mất đi những cơ hội cần thiết. Liên kết hợp tác đầu tư sẽ phần nào giải quyết được vấn đề này.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của vùng miền núi. Việc người dân hiểu được giá trị của thương hiệu nông sản đã cho thấy sự thay đổi trong nhận thức sản xuất từ thô sơ, manh mún sang quy mô hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường và khách hàng. Trên thực tế, nhiều sản phẩm do mới bắt đầu xây dựng thương hiệu nên còn sơ sài, cần sự hỗ trợ của các cấp để nâng tầm thương hiệu nông sản. Trước mắt, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm làng nghề sẽ là kênh quan trọng để đồng hành với các hộ dân miền núi.
MINH DUYÊN