Như Báo Phú Yên số ra ngày 31/3 đã thông tin, quá trình lập dự án và các thủ tục quá chậm đã làm cho một số công trình trên địa bàn Phú Yên có nguy cơ bị cắt nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thực tế này đặt ra một vấn đề: Cần lập dự án trước khi tìm được nguồn vốn đầu tư.
Công trình hồ Suối Vực đã phải thay đổi vị trí, hiện Công ty tư vấn Thủy lợi Việt Nam đang khảo sát trước khi thiết kế, lập dự án thi công. Ảnh: Bản đồ vị trí dự kiến hồ Suối Vực |
TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN QUÁ CHẬM
Ba công trình thuỷ lợi của Phú Yên đã được ghi vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2008 với tổng vốn 133 tỉ đồng là hồ chứa nước Suối Vực, hồ Buôn Đức và hồ Kỳ Châu. Trong đó, hồ chứa nước Suối Vực được ghi vốn 90 tỉ đồng chắc chắn bị cắt vốn; hai công trình còn lại là hồ chứa nước Kỳ Châu và Buôn Đức cũng có nguy cơ mất vốn.
Theo Ban Quản lý (BQL) các dự án thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phú Yên thì Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên phải có quyết định đầu tư cho công trình hồ Suối Vực chậm nhất vào ngày 5/4/2008. Nếu không thực hiện kịp yêu cầu này, công trình bị đưa ra khỏi danh mục đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008. Đây là yêu cầu cấp bách và thực tế trong bối cảnh hiện nay khi Chính phủ đang nỗ lực dùng nhiều biện pháp nhằm kìm chế lạm phát và thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định. Một trong những giải pháp mà Chính phủ đang sử dụng triệt để là chấm dứt hiệu lực đối với nhiều dự án quá thời hạn đầu tư; cắt vốn đối với nhiều công trình chưa thật sự cần thiết hoặc triển khai quá chậm để tập trung vốn cho các công trình đầu tư đang triển khai đúng tiến độ và sẽ phát huy hiệu quả sớm. Hưởng ứng giải pháp này của Chính phủ, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ra quyết định chấm dứt hiệu lực đầu tư đối với 11 dự án trong tỉnh.
Hồ Suối Vực sẽ được đầu tư tại khu vực của 2 xã Suối Bạc và Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa), là công trình quy mô lớn với nhiệm vụ tưới cho 1.500 ha cây trồng của hai xã này; góp phần ổn định sinh thái, cải tạo môi trường và nước sinh hoạt cho rất nhiều hộ dân quanh khu vực này. Đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thành được phần khảo sát, lập dự án nên chuyện bị cắt vốn là điều dễ hiểu.
Trưởng BQL các dự án thủy lợi Phú Yên Lê Văn Hương cho biết: Năm 2006, công trình hồ Suối Vực được khảo sát và có quyết định vị trí công trình. Ngày 22/9/2006, công trình này đã được cho phép lập dự án nhưng đến ngày 22/3/2007, UBND tỉnh Phú Yên có thông báo điều chỉnh vị trí công trình. Quá trình để có được thông báo điều chỉnh vị trí phải mất hết 6 tháng. Nguyên nhân là sau khi được cho phép lập dự án thì người dân đã định cư rất đông trong khu vực lòng hồ. Không tiến hành di chuyển dân được nên cuối cùng công trình được đề nghị thay đổi vị trí, vấn đề này phải qua các bước làm việc với cấp xã, huyện, HĐND huyện và UBND tỉnh nên đã mất đến 6 tháng. Chưa hết, hồ Suối Vực là công trình đầu tiên được đấu thầu tư vấn của Phú Yên nên cũng phải mất nhiều thời gian cho khâu thủ tục. Ông Lê Văn Hương cho hay: Thủ tục đấu thầu tư vấn được triển khai từ ngày 27/4/2007, nhưng mãi cho đến ngày 3/12/2007 mới tổ chức đấu thầu được vì phải qua rất nhiều khâu nghiên cứu thủ tục, xin phép các cấp, ngành… Đến ngày 18/12/2007, BQL các dự án thủy lợi Phú Yên mới ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu tư vấn khảo sát thiết kế hồ Suối Vực là Công ty Tư vấn thủy lợi Việt Nam với thời gian khảo sát 4 tháng (9/2007 – 2/2008).
Thời gian tiến hành khảo sát cũng là giai đoạn mà thời tiết biến động bất lợi nhất từ trước tới nay. Mưa liên tục, bão và áp thấp nhiệt đới đã làm cho công tác khảo sát không thể thực hiện đúng tiến độ. Công ty Tư vấn thủy lợi Việt
Khác với hồ Suối Vực, hai công trình thủy lợi quan trọng khác là hồ chứa nước Kỳ Châu (xã Xuân Lộc huyện Sông Cầu) và hồ Buôn Đức (Sông Hinh) tuy đã có quyết định phê duyệt dự án, nhưng phải đến quý 3/2008 mới có khả năng thi công. Riêng hồ Kỳ Châu, kết quả khảo sát thiết kế đã có từ năm 2003 nhưng cũng phải khảo sát địa hình, địa chất bổ sung với chi phí bổ sung thêm 480 triệu. Do đó, thời gian thi công cũng bị chậm so với tính toán ban đầu. Hai công trình này chưa có thông báo về thời gian cuối cùng sử dụng nguồn vốn, nhưng trong bối cảnh này thật khó khẳng định vốn trái phiếu Chính phủ có được phân bổ hay không.
NÊN LẬP DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRƯỚC KHI TÌM NGUỒN VỐN
Vấn đề không tranh thủ được các nguồn vốn không phải chỉ mới xảy ra với trường hợp hồ Suối Vực. Trong năm 2007, nhiều địa phương, ban ngành ở Phú Yên đã có ý kiến về vấn đề chưa tranh thủ được nguồn vốn tài trợ ODA mà nguyên nhân chủ yếu là không nắm bắt được những yêu cầu về thủ tục, dự án, không tiếp cận được nguồn vốn… Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Ông Lê Văn Hương nói: Từ trước tới nay, phần lớn các công trình đều phải tìm được nguồn vốn đầu tư mới tiến hành khảo sát, thiết kế, lập dự án… Công trình hồ Suối Vực cũng thực hiện như vậy. Trên thực tế, “quy trình” này không còn phù hợp với tất cả các dự án, công trình của các ngành. Cần phải thực hiện theo chiều ngược lại, nghĩa là tỉnh phải đầu tư kinh phí để lập các dự án, công trình cần đầu tư; sau đó mới đi tìm nguồn vốn. Chưa kể là đối với những công trình thủy lợi lớn và có tầm quan trọng như hồ Suối Vực thì khoảng thời gian nghiên cứu, khảo sát chỉ vài tháng cũng không đảm bảo hội đủ và chính xác các yếu tố tự nhiên cho công trình.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, do có nhiều chương trình tài trợ từ nước ngoài để thực hiện dự án, công trình trong nước nên không thể có chuyện vốn đợi dự án. Thông thường, các địa phương muốn tham gia vào một chương trình có hỗ trợ từ nước ngoài thì phải có dự án giao ngay khi đề nghị được tham gia.
Để tránh điều tương tự có thể xảy ra, ông Lê Văn Hương cho biết: BQL các dự án thủy lợi đang trình thủ tục để lập dự án hồ chưa nước Tân Hiên (Sơn Hòa) và nâng cấp hồ Phú Xuân (Đồng Xuân) nhằm có thể tranh thủ được chương trình tín dụng JBIC6 được triển khai vào năm 2009 hoặc vốn trái phiếu Chính phủ vào những năm tới.
LY KHA