Trước thông tin lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm xuống còn 11%/năm hồi đầu tháng 4, nhiều cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn Phú Yên hy vọng một mặt bằng lãi suất cho vay mới được thiết lập tương ứng. Tuy vậy, hiện chỉ có vài NHTM giảm lãi suất cho vay, một số khác thì chưa. Vì sao thiếu sự đồng loạt như vậy?
EAB là một trong hai NHTM trên địa bàn Phú Yên đã giảm lãi suất cho vay – Ảnh: N.QUANG |
Mặc dù đã gần 10 ngày trôi qua kể từ khi các NHTM thống nhất đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động VNĐ xuống ở mức 11%/năm, tương đương 0,91%/tháng, thế nhưng hiện chỉ có hai NHTM trên địa bàn Phú Yên cắt giảm lãi suất cho vay VNĐ là Đông Á (EAB) và Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Theo đó, EAB giảm 0,1%/tháng, Sacombank giảm thấp hơn một chút, ở mức 0,083%/tháng. Hiện lãi suất cho vay VNĐ của EAB và Sacombank dao động ở mức từ 1,25% - 1,6%/tháng. Các NHTM Nhà nước là Ngân hàng Đầu tư – Phát triển (BIDV), Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) và Công thương (Vietinbank) có mức lãi suất cho vay VNĐ dao động từ 1,25% - 1,55%/tháng, gần tương đương với mức lãi suất EAB và Sacombank đã giảm.
Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao lãi suất huy động đã đồng loạt giảm, nhưng lãi suất cho vay chỉ có một số ngân hàng giảm? “Đã đến lúc ngân hàng phải tính đến chuyện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ những khó khăn với khách hàng. Công ty của tôi đang vay 2 tỉ đồng với lãi suất 1,6%/tháng, mỗi tháng phải trả lãi 34 triệu đồng. Nếu giảm lãi suất xuống còn khoảng 1,35%/tháng thì mỗi tháng có thể tiết kiệm được 4 triệu đồng. Tiết kiệm mỗi thứ một ít thì doanh nghiệp sẽ bớt gánh nặng” – Ông Lê Ngọc Chủng, Giám đốc Công ty TNHH Phi Hùng (TP Tuy Hòa) nói.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các NHTM trên địa bàn Phú Yên đều khẳng định rằng, tuy chưa ấn định thời gian cụ thể, nhưng chắc chắn lãi suất cho vay sẽ giảm. “Mục tiêu của việc giảm lãi suất huy động lần này là nhằm tiến tới giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ tốt cho khách hàng mà còn là mong muốn của ngân hàng và chúng tôi đang chờ sự chỉ đạo từ ngân hàng cấp trên” – Ông Trần Kim Hiếu, Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh tại Phú Yên, cho biết.
Theo lãnh đạo một số ngân hàng, trước khi tính đến chuyện cắt giảm lãi suất cho vay phải giải quyết xong bài toán “lệch pha” giữa chu kỳ luân chuyển nguồn vốn huy động và cho vay. Vì trong đợt chạy đua tăng lãi suất huy động vừa qua, nhiều khách hàng gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng chấp nhận rút trước kỳ hạn để gửi sang ngân hàng khác nhằm hưởng mức lãi suất cao hơn. Trong khi đó, nhiều hợp đồng tín dụng của các ngân hàng ký kết với khách hàng trước tháng 1/2008 lại kéo dài từ 12 tháng trở lên và chỉ với mức lãi suất 1,2%/tháng trở xuống. Điều này dẫn đến tình trạng chu kỳ luân chuyển nguồn vốn cho vay chậm hơn chu kỳ luân chuyển nguồn vốn huy động, khiến các ngân hàng gặp không ít khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn. Do vậy, phần lớn nguồn vốn mới huy động được các NH dùng để bù đắp sự “lệch pha” đó.
Khách hàng giao dịch vay vốn tại Chi nhánh NH Đầu tư - Phát triển Phú Yên - Ảnh: N.QUANG |
Hiện các NHTM trên địa bàn Phú Yên đang đưa ra chính sách ưu đãi đối với những khách hàng thuộc nhóm A (khách hàng có thương vụ tốt). Theo đó, hạn mức đầu tư đối với nhóm khách hàng này sẽ được xem xét nâng lên và lãi suất cho vay cũng thấp hơn 10% - 20% so với các nhóm khách hàng khác, tùy theo sự thỏa thuận. Giám đốc BIDV chi nhánh tại Phú Yên Nguyễn Công cho biết: “Theo tôi, nếu lãi suất cho vay có giảm thì biên độ cũng không lớn vì đợt giảm lãi suất huy động lần này chỉ ở mức 0,083%/tháng. Vấn đề cốt lõi ở đây là phải biết chọn lựa khách hàng và có chính sách chăm sóc phù hợp để nâng cao chất lượng tín dụng. Nguồn vốn đầu tư ra phải được quản lý và giám sát thường xuyên. Có như vậy mới phát huy hiệu quả, góp phần vào mục tiêu điều tiết thị trường và tăng trưởng kinh tế”.
NGUYỄN QUANG