NHỮNG QUAN NGẠI VỀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Ở Phú Yên trong năm 2007, Sở Tài nguyên - Môi trường đã kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính 9 công ty vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, có công ty đã bị xử lý nhưng vẫn tiếp tục vi phạm lần hai.
Các nhà máy sản xuất công nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường - Ảnh: N.TRƯỜNG |
Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa được kiểm tra nên chưa phát hiện xử lý. Hiện nay, tại 3 KCN của tỉnh, chỉ KCN Hòa Hiệp có hệ thống xử lý chất thải tập trung, nhưng có nhà máy vì “ngại” đóng phí xử lý nước thải nên còn lén lút thải nước sản xuất vào hệ thống rút nước mưa. Hai KCN An Phú và Đông Bắc Sông Cầu chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung mà mỗi đơn vị kinh doanh sản xuất tự lắp đặt hệ thống xử lý chất thải riêng, nhưng có đảm bảo tiêu chuẩn và có vận hành hay không thì chưa được kiểm tra đánh giá. Một số làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ thì hầu như chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Ở vùng nông thôn, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng bình điện, vứt xác động vật chết và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi vào kênh, mương, sông, suối đã và đang hủy hoại nguồn lợi thủy sản và gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, sức khỏe của cộng đồng. Song, việc phát hiện xử lý các vi phạm và tội phạm về môi trường của các cơ quan chức năng còn rất nhiều hạn chế, chưa tập trung, kiên quyết do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó việc tổ chức lực lượng chuyên trách để bảo vệ môi trường còn mỏng, sự phối hợp giữa lực lượng chức năng với các cấp chính quyền địa phương chưa thường xuyên, hoạt động kém hiệu quả.
ĐỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG HIỆU QUẢ
Vậy làm thế nào để bảo vệ môi trường, đấu tranh hiệu quả với những hành vi gây ô nhiễm môi trường? Theo chúng tôi, trước hết, cần phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đến từng người dân để họ hiểu biết về pháp luật bảo vệ môi trường, hiểu rõ về hậu quả, tác hại của việc ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe và đời sống của con người, từ đó mọi người ý thức được hành vi của mình trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng về những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.
Thứ hai, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng chống các hành vi vi phạm và tội phạm về môi trường, tham gia quản lý bảo vệ môi trường, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm ở địa phương, đơn vị mình để có biện pháp khắc phục và xử lý. Nên xây dựng nội quy, quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường ở cơ sở, đưa vấn đề bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí xây dựng khu phố, thôn, buôn văn hóa; xã, phường, văn hóa.
Điều cần thiết nữa là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất phải tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải sản xuất của nhà máy, xí nghiệp, phải thực hiện đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký cam kết bảo vệ môi trường.
Cuối cùng các cơ quan chức năng bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên - Môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an Phú Yên phải tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để xử lý, yêu cầu khắc phục. Nếu đơn vị, cá nhân nào cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, có dấu hiệu của tội phạm thì tập trung điều tra làm rõ xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, tìm ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh các hành vi vi phạm để có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo cho môi trường bền vững góp phần tạo điều kiện thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
LÊ LỰU