Giá cả leo thang hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Khả năng số hộ nghèo, tái nghèo sẽ tăng lên vì giá tăng. Trong khi đó, những chính sách bảo trợ xã hội và chuẩn nghèo vẫn chưa thay đổi!
Chị Lê Thị Minh, với mức thu nhập chỉ 150.000 đồng/tháng, có khả năng sẽ tái nghèo - Ảnh: K.CHI |
Chị Lê Thị Minh ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) từng thuộc diện hộ nghèo, nhờ xoay xở buôn gánh bán bưng, gia đình chị đã thoát nghèo. Vậy mà giờ đây, do giá cả tiêu dùng tăng cao, gia đình chị đang đối mặt với “tái nghèo”. “Trước, một dĩa cơm ở chợ Tuy Hòa chỉ khoảng 3.000-4.000 đồng thì nay đã tăng gấp đôi. Hai tháng đầu năm, tôi chỉ dành dụm được có 300.000 đồng” – chị Minh cho hay.
Vợ chồng anh Lê Phú Hương ở thôn Sơn Thọ, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) thường làm nhang mang xuống chợ bán trong những ngày nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Anh bảo, ngày nắng còn kiếm được vài chục ngàn đồng, chứ còn trời mưa thì chẳng có đồng nào cả. Anh Hương tâm sự: “Thời buổi giá cả tăng thế này chỉ còn cách vay tiền để nuôi con!”. Với thu nhập như vậy, việc “gia nhập” hộ nghèo của gia đình anh Hương chắc không còn xa nữa.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Phú Yên Vũ Thanh Bình nói: “Ước tính trong 2 năm 2006-2007, tỉ lệ trượt giá đã ở mức 17%. Nếu tính cả năm nay nữa thì giá cả sẽ tăng khoảng 30%. Điều này có nghĩa là mức chuẩn nghèo 200.000 đồng/tháng đối với khu vực nông thôn chỉ còn 140.000 đồng. Chuẩn nghèo, thước đo phản ánh mức sống tối thiểu của người dân, thực tế đang bị giảm xuống. Để phản ánh đúng thì chuẩn nghèo phải đúng “chuẩn”. Nếu không, sẽ có một bộ phận dân cư thực tế là nghèo nhưng lại bị loại ra khỏi sự hỗ trợ dành cho người nghèo”.
Theo Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 8/7/2005 về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006-2010, trong trường hợp mức trượt giá tăng 10% thì chuẩn nghèo phải được xem xét lại. Trong khi đó, các chính sách trợ giúp bảo trợ xã hội theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP cũng gặp nhiều hạn chế khi quy định mức chuẩn trợ cấp là 120.000 đồng/người/tháng cho một số đối tượng. Mức trợ cấp này chỉ bằng 60% mức sống tối thiểu bình quân, 40% còn lại họ vẫn phải dựa vào gia đình, người thân và cộng đồng.
Do giá cả tăng cao, đời sống của nhiều người dân gặp khó khăn. Trong ảnh: Sản xuất muối ở Sông Cầu - Ảnh: D.T.X |
Điều đáng quan tâm là khi chuẩn nghèo được tăng lên, số hộ ở gần ngưỡng nghèo sẽ “trôi” xuống dưới chuẩn, vì vậy phải tăng khoản chi phí hỗ trợ từ ngân sách. Nhưng hiện chưa có số liệu chính xác số hộ thuộc diện này nên chưa thể tính được sẽ tăng chuẩn nghèo lên mức nào để vừa “bao phủ” toàn bộ người nghèo, vừa bảo đảm đủ nguồn để hỗ trợ. Trong khi đó, Chính phủ bước đầu cũng chỉ cố gắng để hỗ trợ một số đối tượng nghèo về mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền cho những hộ nghèo ở những nơi chưa có điện để mua dầu hỏa…
BỘ TRƯỞNG BỘ LĐ-TB-XH NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: Chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010 được xây dựng từ năm 2005, nhưng đã ước tính theo giá năm 2006 và đã tính đến các yếu tố tăng trưởng và trượt giá (mức bình quân 7-8%) nên khi chuẩn nghèo được ban hành đã cao hơn nhu cầu chi tiêu thực tế của nhóm hộ nghèo. Tuy nhiên, với tỉ lệ trượt giá cao, năm 2007 là 12,63% và theo ước tính của các chuyên gia quốc tế năm 2008 là 8%, Bộ LĐ-TB-XH sẽ cân nhắc, trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo về điều chỉnh chuẩn nghèo cho phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và trượt giá để bảo đảm chính sách trợ giúp cho người nghèo.
KIM CHI