Thứ Sáu, 20/09/2024 11:11 SA
Nhân lên xu hướng sống xanh bảo vệ môi trường
Thứ Ba, 14/01/2020 09:42 SA

Dưa leo của bà Hương luôn bán được giá cao hơn nhờ sản xuất sạch. Ảnh: MINH DUYÊN

Tự tạo ra các chế phẩm sinh học hữu cơ để dùng thay các sản phẩm hóa học phục vụ sản xuất nông nghiệp và cả sinh hoạt gia đình, là cách các hộ dân ở vùng miền núi của tỉnh đang làm để bảo vệ sức khỏe, môi trường và tăng thu nhập.

 

Nhiều cách làm hay

 

Bà Trần Thị Thanh Hương ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) có 3 sào đất trồng khổ qua, dưa leo, đậu… Hàng ngày, từ việc bán nông sản vườn nhà bà có thu nhập bình quân 200.000 đồng. Điều đặc biệt, tuy giá cao hơn các sản phẩm cùng loại khác nhưng khách vẫn tranh mua vì cây trồng của bà được chăm sóc bằng các chế phẩm hữu cơ.

 

Bà Hương cho biết: Tôi vừa mang rau tới chợ là mọi người mua liền. Đã từ lâu, tôi không dùng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng mà tự tạo ra các chất diệt côn trùng bằng sản phẩm hữu cơ hay các cách bẫy côn trùng thủ công dựa theo đặc tính từng loài. Các loại trái như dưa leo, khổ qua nếu bị ong chích, ruồi đục thì trái hư hoặc còi đẹn.

 

Tôi bẫy các sinh vật gây hại này bằng cách dùng hợp chất làm từ dấm, đường, chuối hòa với nước theo tỉ lệ và thời gian nhất định, sau đó bỏ vô chai có đục lỗ. Ở những lỗ chai, tôi bôi một lớp mật ong. Côn trùng bị thu hút sẽ rơi xuống hỗn hợp trong chai. Với rệp, bọ xít, rầy nâu… gây hại rau xanh, tôi tạo ra hỗn hợp từ gừng, tỏi, ớt xay mịn, ngâm từ 4-5 ngày rồi chắt ra lấy nước phun vô lá. Rau xanh vừa được bảo vệ mà không dính thuốc hóa học trên lá.

 

Nhiều hộ cũng tự tạo ra các sản phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày bằng các loại hoa, trái quanh nhà như vỏ bưởi, trái chanh, cánh hoa… để thay thế nước rửa chén, dầu gội đầu, nước xịt thơm từ chất hóa học.

 

Theo chị Hoàng Thị Thúy ở xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân), chị dùng chanh và giấm kết hợp theo công thức riêng để thay thế nước rửa chén. Hay chị Nguyễn Thị Nguyệt ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), dùng lá hương nhu, bồ kết, vỏ bưởi, sả, chanh, gừng… cô đặc lại thành cao bồ kết thay dầu gội đầu. Hoặc bà Hoàng Thị Thơm ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) dùng cánh của các loài hoa làm nước xịt thơm để tạo mùi thơm cho phòng khách, quần áo…

 

Hiệu quả thấy rõ

 

Những cách sống xanh như trên vừa giúp tiết kiệm sinh hoạt phí, bảo vệ sức khỏe, lại vừa cho giá trị kinh tế cao hơn. Bà Trần Thị Thanh Hương ở xã Đức Bình Đông, cho biết thêm: Nguyên liệu là những thứ có sẵn, dễ kiếm lại rẻ, tôi chỉ cần bỏ ra một chút thời gian là có thể yên tâm cây trồng được bảo vệ, duy trì ổn định môi trường thiên địch và hơn hết là không lo ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Sản xuất bằng cách này cũng mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

 

Đến nay, sản xuất sạch, tiêu dùng an toàn đã trở thành nhu cầu của đông đảo người dân ở vùng miền núi nói riêng và cả tỉnh nói chung. Xu hướng này xuất phát từ thực tế về những nguy hại do ô nhiễm môi trường gây ra với sức khỏe con người và phát triển bền vững.

 

Phó giám đốc Sở TN-MT Lê Đào An Xuân

 

Chị Lã Thị Diệp ở xã Đức Bình Đông, khẳng định: Dưa leo nhiều nơi mang tới chợ quê tôi bán 6.000 đồng/kg, còn của bác Hương từ 7.000-8.000 đồng/kg. Tuy cao hơn chút nhưng tôi vẫn mua vì biết bác trồng rau sạch, không phun thuốc hóa học.

 

Còn chị Hoàng Mai Thúy ở xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân), tâm đắc: Từ ngày dùng sản phẩm nước rửa chén thiên nhiên da tay tôi không còn thô ráp, cũng không phải lo nước tẩy rửa hóa học bám vào chén bát gia đình. Do tự làm được nên mỗi tháng tôi tiết kiệm được một khoản chi phí nhỏ. Một số sản phẩm được tạo ra từ xu hướng sống xanh còn trở thành hàng hóa với thương hiệu riêng được thị trường ưa chuộng.

 

Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở thị trấn Hai Riêng, cho biết: Lúc đầu tôi làm để trị bệnh rụng tóc sau sinh. Rồi mọi người hỏi, dùng thử, muốn mua nên tôi quyết định đầu tư sản xuất. Hơn 2 năm nay, sản phẩm cao bồ kết của tôi đã có mặt trên thị trường và luôn được khách hàng ưu chuộng. Hiện, ngoài tự bán online, tôi cũng cung cấp cho các đại lý trong và ngoài tỉnh. Thu nhập từ bán sản phẩm này từ 4-5 triệu đồng/tháng.

 

Theo bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN-MT, đến nay, sản xuất sạch, tiêu dùng an toàn đã trở thành nhu cầu của đông đảo người dân ở vùng miền núi nói riêng và cả tỉnh nói chung. Xu hướng này xuất phát từ thực tế về những nguy hại do ô nhiễm môi trường gây ra với sức khỏe con người và phát triển bền vững.

 

Đặc biệt ở vùng miền núi của tỉnh, khi nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, sản lượng cây trồng, chất lượng vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của từng hộ gia đình. Sở TN-MT đã và đang phối hợp với các đơn vị nhân rộng hơn nữa các mô hình này và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường để kích thích tiêu dùng, thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek