Qua khoảng một năm rưỡi triển khai kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc trên địa bàn tỉnh, đến nay tiến độ triển khai đạt khoảng 79% so với kế hoạch. Nguyên nhân công tác này không đạt kế hoạch đề ra là do các địa phương gặp vướng mắc về nguồn gốc đất, số thửa đất phát sinh nhiều, dữ liệu đất đai không phù hợp, nhất là đất lâm nghiệp. Để hoàn thành việc kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc, Sở TN-MT đưa ra một số giải pháp để thực hiện trong năm 2020.
Chưa hoàn thành kế hoạch
Theo Sở TN-MT, kết quả thống kê đất đai năm 2016 của Bộ TN-MT, tổng số thửa, diện tích các loại đất phải thực hiện kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc trên địa bàn tỉnh Phú Yên là 592.665 thửa, với diện tích hơn 445.080ha. Đến cuối tháng 4/2018, toàn tỉnh đã cấp 552.580 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích hơn 360.841ha, số thửa và diện tích còn lại phải tiếp tục kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc là 40.084 thửa với diện tích khoảng 84.238ha.
Ngày 18/6/2018, UBND tỉnh ban hành kế hoạch kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch này, đến cuối năm 2019 phải hoàn thành việc kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc, tuy nhiên đến nay chỉ đạt khoảng 79% số thửa đất đã được kê khai theo hiện trạng.
Ông Lê Ngọc Hải, Trưởng Phòng TN-MT huyện Sông Hinh, cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, trong năm 2019, huyện Sông Hinh đã cấp khoảng 4.500 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên vẫn chưa đạt kế hoạch của huyện đề ra. Trong quá trình triển khai, địa phương gặp một số vướng mắc, đó là hiện nay số lượng thửa đất đã đo đạc địa chính có sự biến động rất nhiều so với trước đây, trong đó biến động lớn nhất là đất lâm nghiệp. Về dữ liệu đất đai, huyện Sông Hinh đang gặp khó khăn và chưa có giải pháp hiệu quả để rà soát lại các thửa đất đã cấp và chưa cấp giấy chứng nhận. Các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai vô cùng phức tạp, nhiều hồ sơ, vụ việc có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nhưng vẫn chưa giải quyết xong.
Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, hai khó khăn lớn nhất mà huyện Sơn Hòa đang gặp phải trong việc triển khai kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đó là sự biến động rất lớn về số thửa đất so với bản đồ địa chính trước đây và việc xác định ranh giới đất lâm nghiệp. Hiện nay, Sơn Hòa có trên 2.000 hồ sơ đăng ký đất đai bị vướng mắc mà huyện đã xin ý kiến của Sở TN-MT để có hướng giải quyết, trong đó có nhiều hồ sơ rất phức tạp. Một vấn đề khác đó là kết quả rà soát 3 loại rừng năm 2017 đã có, nhưng đến nay các chủ rừng vẫn chưa đo đạc, cắm mốc nên công tác kê khai, đăng ký gặp nhiều khó khăn, nhất là đất lâm nghiệp do hộ gia đình quản lý, khai thác.
Phấn đấu hoàn thành trong năm 2020
Theo Sở TN-MT, việc tổ chức kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với các thửa đất còn lại chưa kê khai, đăng ký của người sử dụng đất, đang sử dụng đất và người được giao đất để quản lý là nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng. Việc tổ chức kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc cũng nhằm tạo điều kiện để cơ quan nhà nước cập nhật, hoàn chỉnh hồ sơ địa chính, góp phần phát huy quyền của người sử dụng đất, hạn chế tranh chấp, khiếu nại, lấn chiếm đất đai.
Ông Nguyễn Duy Dương, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Hồ sơ phát ra và thu vào với số lượng rất lớn và người dân kê khai đại trà nên việc kiểm tra để họp xét hồ sơ không kịp thời. Các thửa đất còn lại chưa kê khai đăng ký đa phần có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp như chuyển mục đích không đúng quy định, giao đất trái thẩm quyền, người sử dụng đất không cung cấp các giấy tờ liên quan về tình hình sử dụng đất nên khó khăn trong công tác xác định nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, nhất là các thửa đất ở. Mặc dù, công tác tuyên truyền được duy trì thường xuyên, tuyên truyền đến từng hộ dân nhưng vẫn còn số lượng lớn số đơn phát ra người dân chưa kê khai nộp lại. Hiện nay toàn tỉnh đã có bản đồ địa chính, thuận lợi khi kê khai đăng ký, tuy nhiên bản đồ địa chính chưa cập nhật chỉnh lý kịp thời theo hiện trạng sử dụng đất.
Sở TN-MT đang phối hợp với UBND cấp huyện tổng hợp số thửa chưa có trên bản đồ địa chính để có phương án đo đạc bổ sung phục vụ kê khai, đăng ký. Để hoàn thành việc kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc, Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh phấn đấu hoàn thành khối lượng còn lại trong năm 2020. Sở TN-MT đề nghị các địa phương và người dân cần có sự phối hợp để đẩy nhanh việc kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc. Thời gian tới, Sở TN-MT tiếp tục tập huấn, tăng cường công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kịp thời hướng dẫn giải quyết những vướng mắc hiện nay của địa phương. UBND cấp huyện cần khẩn trương tổng hợp số thửa đất theo hiện trạng để cập nhật chỉnh lý kịp thời trên bản đồ địa chính, thực hiện đo đạc bổ sung nhằm phục vụ tốt việc kê khai, đăng ký.
Vấn đề kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc, đến nay tỉnh ta đã triển khai được gần 80% so với kế hoạch. Với khoảng 20% số thửa còn lại, tương ứng khoảng 20.000 thửa đất là những vị trí khó, đa phần là nguồn gốc đất phức tạp, không rõ ràng, mua bán nhiều lần… UBND tỉnh yêu cầu Sở TN-MT tiếp tục phối hợp tốt với các địa phương và người dân để Phú Yên có thể hoàn thành được việc kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc trong năm 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương |
ANH NGỌC