Chủ Nhật, 24/11/2024 08:34 SA
Phát huy hiệu quả các dự án hỗ trợ sản xuất
Thứ Ba, 31/12/2019 16:11 CH

Cây lúa nước bén rễ ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) từ Chương trình 135. Ảnh: MINH DUYÊN

Trên địa bàn tỉnh, các dự án hỗ trợ sản xuất từ các chương trình, chính sách dành cho vùng nông thôn miền núi đang phát huy hiệu quả. Từ đây, người dân được trao cơ hội vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống.

 

Từ hỗ trợ trực tiếp

 

La Mo Quạnh, Trưởng thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Thôn có 102 hộ với chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số. 100% bà con lấy sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính. Trồng trọt bấp bênh do giá cả và thời tiết bất ổn nên một thời gian dài, tỉ lệ hộ nghèo, tái nghèo trong thôn cao. Từ khi có chương trình hỗ trợ bò lai, nhiều hộ đã đẩy mạnh chăn nuôi, tạo thêm thu nhập. Hiện tỉ lệ hộ nghèo trong thôn còn gần 1,6%. Sau 3 năm, số hộ nghèo giảm từ 30 hộ xuống còn 19 hộ.

 

Còn theo ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, từ nguồn vốn Chương trình 135, 16 hộ nghèo được hỗ trợ bò và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy bơm nước, máy cắt cỏ, ống nước tưới phun mưa. Bên cạnh đó, 6 hộ khó khăn ở 2 thôn Triêm Đức và Kỳ Đu cùng được thụ hưởng 81 triệu đồng từ hỗ trợ đất sản xuất theo Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, hộ nghèo trong xã đạt 2% với 251/1.246 hộ toàn xã.

 

Tại huyện Sông Hinh, từ năm 2016 đến nay, 1.370 lượt hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn các chương trình 135, 30a và các quyết định 755, 2985 của Thủ tướng Chính phủ. Ông K Sor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện này, chia sẻ: Địa phương thực hiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất kết hợp xây dựng các mô hình giảm nghèo. Từ đây, đồng bào vừa được tiếp cận các cách thoát nghèo vừa có vốn áp dụng vào thực tế. Kết quả, nhiều hộ thoát nghèo bền vững với tỉ lệ thoát nghèo ở địa phương đạt từ 15-17%.

 

Đến hỗ trợ nâng cao

 

Không chỉ được hỗ trợ sản xuất để thoát nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi của tỉnh còn được đào tạo nghề, phát triển vùng chuyên canh, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nương rẫy… Từ đây tạo ra nền tảng giúp nâng cao trình độ sản xuất, tạo bước phát triển cho kinh tế nông nghiệp của vùng để bà con có nhiều cơ hội đa dạng sản phẩm nông sản, tăng khả năng tiêu thụ.

 

Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN-PTNT), cho biết: Trong năm qua, đơn vị đã tổ chức 2 lớp đào tạo nghề trồng hồ tiêu cho bà con ở hai huyện Sông Hinh, Tây Hòa. Những hộ tham gia nằm trong vùng quy hoạch tiêu tập trung để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ thuộc Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.

 

Từ năm 2018 đến nay, trung tâm triển khai nhiều mô hình khuyến nông tại vùng miền núi của tỉnh, gồm phát triển vùng chuyên canh đậu phộng ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao… Đơn vị tập trung vào các mô hình cơ giới hóa như sử dụng máy gieo lúa, phun thuốc trên cây lúa, đưa thiết bị giàn công cụ trồng và bón phân cho cây mía, dùng giàn tưới phun mưa với cây sắn…

 

Các mô hình này thực hiện tại các thôn, buôn, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như buôn Ly, buôn Thu ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), các xã Krông Pa, Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), Đa Lộc, Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân)…

 

Thông qua các mô hình, đơn vị mong muốn bà con tiếp cận kỹ thuật sản xuất tiên tiến, thấy được hiệu quả kinh tế khi thay đổi phương thức canh tác cũ không còn phù hợp. Chỉ có nâng cao sản xuất, người dân vùng miền núi mới từng bước nâng cao đời sống kinh tế. 

 

Vùng miền núi dân tộc thiểu số của tỉnh lấy sản xuất nông nghiệp làm nguồn thu nhập chính nên việc ổn định sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế từ nông sản có ý nghĩa rất lớn tới phát triển vùng miền núi cũng như bảo đảm an ninh, chính trị trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay. Những năm qua, tỉnh ta đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chính sách dành cho vùng dân tộc thiểu số, giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, cải thiện cuộc sống.

 

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek