Cây sen đang là cây chuyển đổi phát huy hiệu quả ở huyện Đông Hòa. Các sản phẩm từ sen của địa phương được thị trường đón nhận và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Huyện Đông Hòa đang hướng tới xây dựng thương hiệu độc quyền cấp huyện cho nông sản này theo chuỗi giá trị.
Ông Huỳnh Tấn Cương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Vinh ở thị trấn Hòa Vinh, cho biết: Đơn vị có 20ha sen. So với trồng lúa, cây sen mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3 lần. Đây đồng thời cũng là loại cây trồng phù hợp với điều kiện ở địa phương nên không tốn nhiều chi phí đầu tư. Mọi bộ phận từ cây sen sau khi chế biến tạo ra nhiều sản phẩm mang lại giá trị kinh tế.
Xã Hòa Xuân Tây có 100ha trồng sen. Không chỉ bán đài sen tươi, nhiều hộ dân thành lập các đội tách vỏ hạt sen vừa tạo thêm việc làm vừa có thêm nhiều sản phẩm từ nông sản này cung cấp cho thị trường. Theo ông Huỳnh Văn Bảo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Xuân Tây 1, toàn xã có từ 6-8 hộ thu mua gương sen về tách vỏ bán hạt sen tươi, tim sen khô và nghiền thành bột… Người trồng nhờ đó không lo đầu ra. Từ đây tạo việc làm cho 100-300 lao động nông nhàn trong xã với thu nhập từ 2-4 triệu đồng/người/tháng.
Hiện các sản phẩm từ hạt sen ở Đông Hòa tuy được thị trường chấp nhận nhưng do vẫn sản xuất nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu độc quyền, tiêu thụ manh mún nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế xứng tầm. Việc xây dựng chuỗi giá trị trên cây sen là điều cần thiết hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện này, chia sẻ: Toàn huyện có hơn 400ha đất chuyển đổi trồng sen. Cây sen vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa tạo ra cảnh quan đẹp, trong lành cho nông thôn mới Đông Hòa. Thời gian qua, các sản phẩm từ cây sen của địa phương được đưa đi triển lãm tại nhiều hội chợ các tỉnh Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh… và được khách hàng cả nước đón nhận, đặt mua với số lượng lớn. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu độc quyền và chưa hình thành được quy trình sản xuất, chế biến quy mô lớn nên sản phẩm mới dừng lại ở việc giới thiệu.
Vừa qua, sản phẩm hạt sen của HTX Hòa Xuân Tây được UBND tỉnh chọn là sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh (Mỗi xã một sản phẩm làng nghề tỉnh Phú Yên) giai đoạn 2019-2020. Đây chính là nền tảng đầu tiên để địa phương hướng tới xây dựng thương hiệu sen Đông Hòa trên phạm vi toàn huyện. Địa phương phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng sen của huyện đạt 1.350ha; cùng với đó sẽ kêu gọi đầu tư máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị cho hạt sen Đông Hòa.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Hạt sen Đông Hòa có nhiều tiềm năng để hình thành chuỗi giá trị. Cái thiếu hiện nay là một đơn vị đủ mạnh về vốn, kỹ thuật, thị trường để đứng ra đầu tư. Về nội lực, các HTX ở đây chưa đủ mạnh, nhưng có thể thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình xây dựng chuỗi giá trị nông sản, mô hình HTX kiểu mới… Tỉnh ta đã xây dựng được chuỗi giá trị lâm nghiệp gắn với HTX quy mô toàn tỉnh nên việc xây dựng chuỗi giá trị trên cây sen quy mô toàn huyện là điều hoàn toàn khả thi.
HẢI PHONG