Hiện nông dân bước vào vụ thu hoạch sắn nhưng ở nhiều cánh đồng, năng suất sắn giảm chỉ còn một nửa, thậm chí gần như mất trắng. Nguyên nhân là do nắng hạn và bệnh khảm lá gây hại nặng.
Năng suất thấp
Bà Nguyễn Thị Lãnh ở xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) thu hoạch 1,4ha sắn nhưng chỉ cân được 20 tấn, giảm hơn một nửa so với vụ trước. Sắn đạt 22,8 chữ bột, được nhà máy mua với giá 1.750 đồng/kg, bà Lãnh thu được hơn 30 triệu đồng, chỉ hòa vốn sau khi trừ chi phí đầu tư và công thu hoạch. “Năm ngoái trồng sắn có lãi, còn năm nay trồng sắn thất bại do sắn ít củ”, bà Lãnh nói.
Ông Trần Ngọc Sơn cũng ở xã Đức Bình Tây, cho hay: Vụ sắn năm 2019, vùng trồng sắn của xã bị bệnh khảm lá phát sinh mạnh. Tiếp theo là nắng hạn kéo dài làm cho cây sắn đến vụ thu hoạch nhưng lùn tịt. Tôi trồng 3 sào sắn, vừa rồi nhổ lên thử, củ to bằng ngón tay cái, tính ra không đủ chi phí công thu hoạch, sắp đến có khả năng phải cày phá bỏ.
Theo bà Trần Thị Anh Thư, cán bộ nông nghiệp xã Đức Bình Tây, năm 2018 giá mía thấp nên đến năm 2019, nông dân chuyển đổi sang trồng sắn. Mặc dù giá sắn tươi hiện nay tương đối ổn định với 2.200 đồng/kg loại 30 chữ bột, nhưng năng suất giảm mạnh nên cuối cùng nông dân cũng thất thu. Tính riêng xã Đức Bình Tây, có đến gần 50% người trồng sắn thua lỗ hoặc hòa vốn.
Thời gian qua, bệnh khảm lá uy hiếp vùng trồng sắn các xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây, Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa). Ông Trần Văn Tấn, nông dân trồng sắn xã Sơn Thành Tây cho hay: Vụ này nhà tôi trồng 0,5ha sắn, ước thu được 6 tấn, thấp một nửa so với năm ngoái. Nguyên nhân là do nắng hạn, cây sắn chậm phát triển. Đến khi gặp mưa thì sắn lại bị khảm lá, đọt xoăn, củ nhỏ.
Theo Công ty CP Tinh bột sắn Sông Hinh (đơn vị thu mua nguyên liệu sắn ở huyện Tây Hòa, Sông Hinh), vụ trước, 1ha sắn nông dân thu hoạch được 24 tấn/ha. Vụ này, năng suất giảm đến 40%; tức 1ha, nông dân mất gần 10 tấn sắn. Sắn mất mùa không chỉ do nắng hạn, mà còn do người dân sử dụng giống sắn nhiễm vi rút khảm lá từ vụ trước. Khi sắn bị bệnh khảm lá thì không cho năng suất.
Nông dân trồng giống sắn nhiễm bệnh
Nông dân các huyện miền núi thường tận dụng thân cây sắn để trồng lại, trong khi đó các giống sắn nông dân miền núi thường trồng là HLS11, KM419 đã bị nhiễm bệnh khảm lá nghiêm trọng. Tại xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), từ năm 2018 đến nay, nhiều diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, nhưng nông dân vẫn sử dụng giống sắn bị nhiễm bệnh trồng lại, dẫn đến bệnh khảm lá đeo bám cây sắn làm giảm năng suất, cộng với sắn trải qua đợt nắng hạn kéo dài nên nông dân thất thu.
Ông Nay Y Trang ở xã Sơn Hội, cho hay: Lâu nay, nông dân ở đây lấy cây sắn trồng vụ trước làm giống vụ sau. Nhà tôi trồng 2 sào sắn, lúc mới trồng sắn bị nắng hạn lớn không nổi. Sau khi mưa xuống thì bị bệnh khảm lá, nhổ bụi sắn có 3 củ nhỏ, đủ trả tiền công thu hoạch.
Cũng như ông Nay Y Trang, bà La Lang Thị Xinh ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) đang thu hoạch sắn mất mùa. “Đến mùa trồng sắn, chúng tôi rảo quanh gò đồi chặt cây sắn đem về trồng. Năm nay sắn gặp nắng hạn nên hầu hết bị mất mùa”, bà Xinh nói.
Theo Sở NN-PTNT, vụ sắn 2019, nông dân tỉnh trồng 28.181ha, tăng 14,2% so với năm 2018. Năng suất 210,8 tạ/ha, giảm 1,2% so với năm 2018. Hiện nay, bệnh khảm lá virus gây hại với diện tích 5.197,5ha (trong đó diện tích nhiễm nặng 1.570ha), tập trung tại các huyện Sông Hinh 4.300ha, Sơn Hòa 720ha, Đồng Xuân 140ha... Năm ngoái, sắn được mùa, được giá, trung bình mỗi héc ta sắn nông dân lãi 15-17 triệu đồng, trong khi đó giá mía xuống thấp nên nông dân đổ xô trồng sắn. Tuy nhiên nếu không kiểm soát nguồn bệnh khảm lá thì người trồng sắn có nguy cơ thiệt hại nặng về kinh tế. Nông dân đầu tư trồng 1ha sắn đầu vụ đối với đất bằng thì chi phí gần 5 triệu đồng, còn đối với đất rẫy (có độ dốc) chi phí lên đến 7 triệu đồng. Vì vậy, để phòng tránh sắn bị bệnh khảm lá, ngay từ đầu vụ, nông dân tuyệt đối không trồng các giống sắn bị nhiễm bệnh như HLS11, KM 419...
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo Sở NN-PTNT, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương thường xuyên điều tra phát hiện bệnh khảm lá virus hại sắn và bọ phấn trắng để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, có hiệu quả. Nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh, người nông dân nhập các giống sắn không rõ nguồn gốc; vận động các hộ nông dân không tiếp tục trồng ra ruộng và tiêu hủy các giống sắn đang tồn trữ... Ngành Nông nghiệp khuyến khích các tổ chức, cá nhân du nhập giống mới về khảo nghiệm nhằm tuyển chọn được các giống mới có năng suất và chất lượng cao thay thế dần các giống cũ đã thoái hóa.
Thời gian đến, bệnh khảm lá virus có khả năng gây hại mạnh trên diện rộng. Vì vậy, chính quyền địa phương cần hỗ trợ mua giống sắn cho nông dân, hoặc nông dân ký hợp đồng bao tiêu với các nhà máy để có nguồn giống tốt. Ngành Nông nghiệp các địa phương cần phải tăng cường điều tra, rà soát diện tích sắn bị các loại bệnh này trên phạm vi toàn tỉnh để tập huấn hướng dẫn nông dân cách phòng trừ.
TS Nguyễn Thị Trúc Mai, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên |
MẠNH LÊ TRÂM