Đào tạo tập huấn, tham quan mô hình và hỗ trợ kinh phí mua máy móc là hoạt động nổi bật của Sở NN-PTNT thời gian qua trong việc hỗ trợ các HTX Nông nghiệp xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Từ đây, các HTX có thể tạo dựng thương hiệu, trở thành đơn vị đại diện cho các sản phẩm làng nghề.
Ông Trần Hưng Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), cho biết: Trong đào tạo, đơn vị trang bị cho các HTX kiến thức về các hình thức liên kết sản xuất giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp; lợi ích của sản xuất thông qua hợp đồng theo chuỗi đối với HTX, thành viên HTX và cộng đồng; vai trò của liên kết sản xuất theo hợp đồng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Các HTX nông nghiệp còn được tham quan mô hình sản xuất tại Đắk Lắk, Lâm Đồng… để tìm được loại cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương và học cách hình thành chuỗi, quản lý sản xuất và xây dựng sản phẩm nông nghiệp độc quyền. Đơn vị cũng hỗ trợ kinh phí để các HTX mua sắm máy móc, hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ nâng cao công nghệ sản xuất.
Từ năm 2017 đến nay, qua nguồn vốn nông thôn mới, đơn vị đã hỗ trợ gần 28 tỉ đồng cho các HTX, góp phần tạo ra các sản phẩm như gạo chất lượng cao của HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An), rượu tằm của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa), dầu đậu phộng của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân)…
Ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước ghi nhận: Nếu không có sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT thì HTX không thể xây dựng thành công sản phẩm dầu đậu phộng. Bởi trước đây, khi chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang cây đậu phộng, bà con mừng vì năng suất cao nhưng tiêu thụ hạt đậu phộng gặp khó.
HTX muốn tạo ra các sản phẩm từ cây đậu phộng để thêm cơ hội tiếp cận thị trường nhưng không có kinh phí mua máy móc. Lúc khó khăn đó, HTX được Sở NN-PTNT hỗ trợ 90 triệu đồng để mua 1 máy tách vỏ, 1 máy ép dầu và 50 triệu đồng mua máy đóng gói.
Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, các HTX nông nghiệp là một phần không thể thiếu của quá trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Muốn tăng hiệu quả hoạt động của các HTX phải bắt đầu từ củng cố các mô hình sản xuất, tìm ra loại cây trồng phù hợp và đầu tư công nghệ sản xuất tạo ra sản phẩm để kết nối doanh nghiệp tiêu thụ. Các HTX quản lý cây trồng chủ lực gắn với sản phẩm độc quyền sẽ giúp đời sống nông dân tăng cao.
BẠCH VÂN