Cả nước đang xây dựng nông thôn mới (NTM) theo Quyết định 1980 ngày 17/10/2016 của Chính phủ. Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí số 1 nói về quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp. Tiêu chí số 9 nói về kiến trúc nhà ở NTM, đó là, nhà dột nát không còn, nhà ở “đạt tiêu chuẩn” chiếm 75%, nhà phải đạt 3 cứng (nền cứng, tường cứng và mái cứng).
Tại tỉnh Phú Yên, phong trào xây dựng NTM đang phát triển mạnh mẽ, nhiều xã đạt tiêu chuẩn xã NTM; mới đây huyện Tây Hòa và Phú Hòa được công nhận là huyện NTM.
Đi cùng năm tháng
Nhà ở NTM được hình thành và phát triển tại các nơi được công nhận đạt chuẩn về NTM. Tỉnh Phú Yên nên chọn một số xã NTM có điều kiện về phát triển kinh tế như: gần các khu công nghiệp, thuận lợi về giao thông, để thực hiện và nhân rộng ra. Nhà ở NTM là bài toán được đặt ra cho các điểm dân cư NTM hiện nay, với mô hình “đô thị nông nghiệp”, một khái niệm mới cho phát triển bền vững. |
Trước năm 1986, phương thức sản xuất ở nông thôn là thủ công, nền kinh tế tự cấp, tự túc đã hình thành không gian thôn, xóm cũng như nhà ở nông thôn truyền thống khép kín theo văn hóa vùng miền. Không gian sản xuất là ruộng, rẫy quanh nhà, vườn rau ao cá; mật độ xây dựng nhà ở rất thấp, đa số các sản phẩm được cung cấp, chế biến ngay trong khuôn viên nhà ở. Nhà cao 1 tầng, trong mỗi căn nhà có nhiều không gian phụ, như khu vực bếp, chuồng trại chăn nuôi, nhà kho, nơi chế biến nông sản thực phẩm.
Sau năm 1986, khi có sự đổi mới về kinh tế, không gian tại các điểm dân cư nông thôn có sự thay đổi nhiều; không gian vườn - ao - chuồng gần như không còn, thay vào đó là phân lô xây dựng. Nhà trệt được thay bằng nhà lầu cao 2-3 tầng, các kiểu nhà ở đô thị được sao chép đem về xây dựng ở nông thôn; tường rào ngăn cách xưa bằng cây xanh, nay thay bằng bê tông gạch đá.
Khu vực nông thôn đang bị ô nhiễm bởi rác thải, nước thải, tiếng ồn, khói bụi. Nền kinh tế thị trường hàng hóa, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, các cửa hàng, cửa hiệu mọc lên, nông thôn sầm uất như phố thị, làm thay đổi không gian cư trú êm đềm ở làng quê, trong đó có nhà ở nông thôn truyền thống.
Quá trình thay đổi trên là nhu cầu phát triển khách quan, nông thôn đang xuất hiện quá trình đô thị hóa, theo hướng trở thành đô thị nông nghiệp, nhà ở NTM dần xuất hiện để phù hợp với môi trường mới. Nhiều điểm dân cư nông thôn đang trở thành thị tứ, thị trấn trên khắp vùng miền.
Từ những phân tích trên, chúng ta thấy sự thay đổi của nhà ở nông thôn truyền thống đang diễn ra mạnh mẽ, khi người nông dân trở thành công nhân, vừa làm nông kết hợp làm nhiều dịch vụ khác. Lúc này bản thân người nông dân đã thay đổi lối sống của họ, sự khác biệt về nhu cầu sống ở nông thôn và thành thị không còn cách xa, đã tác động, phá vỡ nhà ở nông thôn truyền thống. Những “con người mới” không còn thuần nông sẽ quyết định một cách khách quan không gian ở, đó là nhà ở NTM.
Kết nối văn hóa truyền thống
Năm 1948 trong thư gửi hội nghị kiến trúc sư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng kiến trúc nhà ở nông thôn, đã căn dặn: “Ở và đi lại là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc, nhất là nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà ở giản dị, cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.
Nhà ở đô thị ngoài chịu sự ràng buộc bởi các tiêu chuẩn quy phạm của Nhà nước như chiều cao tầng, cốt nền, cốt ô văng tầng trệt, còn phải tuân thủ theo quy tắc quản lý của từng đô thị như diện tích lô đất cho mỗi căn hộ; khi xây dựng phải có hồ sơ thiết kế, được cấp phép, cắm mốc trước khi khởi công.
Trong khi đó, nhà ở nông thôn và cả nhà ở NTM hiện nay hoàn toàn do người dân tự làm, phần lớn không có thiết kế và chưa được cấp phép xây dựng; mỗi gia đình lại có tiềm lực về kinh tế khác nhau, diện tích đất rộng hẹp khác nhau. Trong khi đó nhà ở NTM phải phù hợp với mô hình sản xuất mới ở nông thôn, tạm gọi là “đô thị nông nghiệp”, phù hợp với thiên nhiên cảnh quan, tập tục văn hóa, khí hậu vùng miền.
Dự báo dân cư nông thôn sẽ thu hẹp, do tỉ lệ sinh đẻ giảm dần, do di dân về các đô thị... Chính vì vậy khi quy hoạch mỗi lô đất cho xây dựng nhà ở NTM nên rộng từ 250-300m2/hộ; tỉ lệ chiều rộng và chiều sâu lô đất là 1:1 hoặc 1:1.5 để tránh việc làm nhà ống và có điều kiện tổ chức không gian phong phú quanh nhà theo mô hình “nhà trong vườn, vườn trong phố”. Khu đất được chọn để quy hoạch: có hạ tầng, tính chất khép kín khu dân cư; tránh bám vào các trục giao thông chính liên huyện, liên xã, tránh những nơi đang hình thành cánh đồng mẫu lớn.
Nội dung quy hoạch các “đô thị nông nghiệp” là bố trí, sắp xếp nơi ăn, chốn ở, đường đi lại, nơi học hành vui chơi giải trí, nơi làm việc... Đem lại không gian mới và cuộc sống tốt hơn cho người dân; có thể phân thành: khu ở yên tĩnh, loại nhà vườn; khu dịch vụ thương mại, nhà liền kề; khu trung tâm hành chính; khu cây xanh, nhà trẻ trường học; khu văn hóa thể dục thể thao; khu sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...
Nhà ở NTM, kế thừa những gì tốt đẹp của nhà ở nông thôn truyền thống như: nhà cao từ 1-2 tầng là đẹp, mật độ xây dựng thấp, xung quang nhà có vườn trồng cây xanh, phía trước nhà có sân, tường rào thông thoáng… Không gian chính của nhà ở NTM vẫn là phòng khách, các phòng ngủ, phòng thờ, nơi sinh hoạt gia đình; không gian phụ như nhà bếp, vệ sinh, nhà kho chứa nông sản, để các dụng cụ sản xuất.
Về ngoại thất, nhà có sân để phơi nông sản và tổ chức các sinh hoạt gia đình; cổng và lối vào nhà, không trồng cây có trái nhiều hạt, trái có vị chua trước nhà, vì ông bà ta có câu “Trước thì trồng cau/ Sau thì trồng chuối”; Tránh căn bệnh “hoành tráng” trong kiến trúc, hoành tráng là tốn kém, là xa rời văn hóa nhà ở nông thôn Việt Nam.
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG