Tháng 12/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) vừa phải giải ngân vốn mới được phân bổ, vừa giải ngân vốn thu hồi quay vòng, vừa thực hiện quyết toán cuối năm. Công việc tất bật nhưng cán bộ nhân viên ngân hàng đều cố gắng để người dân kịp thời có vốn sản xuất, kinh doanh trong thời điểm cuối năm.
Trước đó, cuối tháng 11/2019, NHCSXH Phú Yên được Trung ương bổ sung thêm 44 tỉ đồng để cho vay. Trong đó, cho vay hộ cận nghèo 8 tỉ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 10 tỉ đồng, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 6 tỉ đồng, hỗ trợ tạo việc làm 20 tỉ đồng. Nguồn vốn này được bổ sung kịp thời, góp phần giải “cơn khát” vốn sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đáp ứng nhu cầu vay dịp cuối năm
Gia đình ông Trần Xuân Hùng ở khu phố 4 (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) là một trong những hộ được Phòng giao dịch NHCSXH Sông Hinh giải ngân vốn trong tháng 12 này. Với 100 triệu đồng vốn hộ cận nghèo, vợ chồng ông Hùng dùng để đầu tư mua giống, trồng mới 0,7ha cao su và mua phân bỏ gốc cho diện tích cao su đã trồng trước đó của gia đình.
Ông Hùng cho biết: Gia đình tôi đăng ký vay vốn cách đây vài tháng, đến nay mới được ngân hàng giải ngân. Được duyệt vay với số vốn lớn vào thời điểm này, chúng tôi rất mừng vì thường cuối năm (cũng là cuối mùa cao su), cây giống mua được sẽ chất lượng hơn và thời tiết cũng thuận lợi để trồng mới.
Tại TP Tuy Hòa, hộ bà Nguyễn Thị Thủy ở thôn Liên Trì 2 (xã Bình Kiến) cũng mới nhận vốn chính sách. Gia đình bà dùng 40 triệu đồng từ nguồn cho vay hỗ trợ tạo việc làm để đầu tư chăm sóc mai, quất, thuê công bấm cành quất, lặt lá mai và mua thêm chậu xi măng để chuẩn bị cho mùa trồng cây cảnh năm sau.
“Nhà vườn thường bán sỉ, thương lái các nơi đến mua từng xe cả trăm chậu chuyển đi khắp các tỉnh, thành. Mỗi lần như vậy, chúng tôi phải bỏ kèm hơn chục chậu xi măng để khách hàng thay khi chậu bị bể. Ngoài ra, qua Tết là nhà vườn bắt đầu vào mùa cắt tỉa quất cũ, lặt bông mai, trồng mới cây con nên chúng tôi cũng phải chuẩn bị chậu từ trước chứ đến đó mới mua thì không kịp”, bà Thủy nói.
Không chỉ là hộ vay, bà Thủy còn là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Liên Trì 2 nên thấu hiểu sự “khát vốn” của người dân vùng hoa, cây cảnh trong những tháng cuối năm. Theo bà Thủy, Bình Kiến là xã nông thôn mới, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày càng ít đi nhưng nhu cầu vốn của người dân không giảm mà nhiều khi còn tăng vì người dân muốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Do đó, rất nhiều người đăng ký vay vốn hỗ trợ tạo việc làm nhưng phải chờ đợi vì nguồn vốn này thường rất hạn chế. “Chúng tôi mong muốn NHCSXH cũng như chính quyền địa phương quan tâm, bổ sung thêm nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của người dân trên địa bàn”, bà Thủy chia sẻ.
Tiếp tục kiến nghị tăng vốn
Theo NHCSXH Phú Yên, đầu năm 2019, đơn vị này được NHCSXH Việt Nam thông báo chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng là 200,5 tỉ đồng; trong đó nguồn vốn cho vay để phát triển sản xuất là 147,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cũng đã sớm trích ngân sách ủy thác 18,3 tỉ đồng để NHCSXH Phú Yên cho vay hỗ trợ tạo việc làm.
“Trong quá trình thực hiện, chi nhánh tiếp tục khảo sát nhu cầu vay vốn của nhân dân và kịp thời trình NHCSXH Việt Nam đề nghị bổ sung 59 tỉ đồng, trong đó vốn phát triển sản xuất là 49 tỉ đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn tăng trưởng trong năm 2019 là 282,8 tỉ đồng, tỉ lệ tăng trưởng 10%. Trong số này, nguồn vốn trung ương tăng trưởng để cho vay các chương trình là 259,5 tỉ đồng. Nguồn vốn ngân sách tỉnh tăng 10 tỉ đồng để cho vay hỗ trợ tạo việc làm và 5 tỉ đồng để cho vay xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐND. Nguồn vốn ngân sách các huyện, thị xã, thành phố tăng 8,3 tỉ đồng để cho vay hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết.
Theo ông Thục, ngoài nguồn vốn tăng trưởng, NHCSXH Phú Yên còn tăng cường thu hồi nợ đến hạn trong năm 2019 với tổng số tiền là 850 tỉ đồng để tiếp tục cho vay. Qua đó đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, học sinh sinh viên, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở…
Tuy nhiên, hiện một số chương trình có nhu cầu vay rất lớn nhưng chưa đủ nguồn vốn để cho vay như hỗ trợ tạo việc làm, cho vay nhà ở xã hội. Do đó, NHCSXH Phú Yên tiếp tục kiến nghị NHCSXH Việt Nam bố trí nguồn vốn năm 2020; đồng thời kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường bổ sung vốn ngân sách địa phương hàng năm để đáp ứng phần nào nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm rất lớn của người dân trên địa bàn. Đây cũng là hành động thiết thực thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sau 5 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
LÊ HẢO