Chiều 4/4, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 12 (AFMM12) đã kết thúc tại Đà Nẵng bằng việc ra Tuyên bố chung gồm 20 điểm.
Các Bộ trưởng Tài chính ASEAN ra Tuyên bố chung sau hội nghị AFMM12
ASEAN cam kết thúc đẩy hợp tác tài chính khu vực
Tuyên bố chung AFMM12 tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác tài chính khu vực để đóng góp vào quá trình hiện thực hoá Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Đồng thời cho biết, hội nghị đã trao đổi quan điểm về diễn biến toàn cầu và khu vực; thảo luận về quá trình thực hiện lộ trình hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN và các sáng kiến hợp tác khu vực khác như sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á, sáng kiến ChiangMai.
Trước những thách thức bên ngoài bắt nguồn từ diễn biến bất thường của thị trường tài chính, biến động của các dòng luân chuyển vốn, sự suy giảm kéo dài và sâu hơn của kinh tế toàn cầu, AFMM sẽ tiếp tục cảnh giác trước những rủi ro, quyết tâm thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khoá ổn đinh.
Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách giúp phát triển bền vững nhu cầu trong nước với vai trò là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế. Trước tình hình giá cả hàng hoá và năng lượng tăng lên, AFMM ghi nhận tầm quan trọng của việc củng cố các sáng kiến về an ninh lương thực và năng lượng để bảo đảm tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững trong khu vực.
AFMM12 cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tự do hoá từng bước các dịch vụ tài chính và tài khoản vốn; nhất trí đẩy mạnh hợp tác tài chính khu vực để tăng tính cạnh tranh của khu vực và thúc đẩy phát triển công bằng trong cộng đồng ASEAN. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực trong khu vực tài chính để thu hẹp khoảng cách giữa các nước thành viên.
Để hỗ trợ mục tiêu của AEC hướng tới luân chuyển vốn tự do hơn và định hướng hình thành thị trường chứng khoán ASEAN có khả năng liên kết cao, bên cạnh việc phối hợp với khu vực tư nhân để xác định rõ các trở ngại trong quá trình phát triển thị trường vốn trong ASEAN, AFMM12 thống nhất hình thành khung chiến lược trung hạn xác định một cách hệ thống kế hoạch hành động cụ thể để tăng cường sự liên kết, khả năng tiếp cận và tính thanh khoản của thị trường.
Bên cạnh đó, AFMM12 cam kết tự do hoá các lĩnh vực dịch vụ tài chính chủ yếu vào năm 2015 nhằm hướng tới mục tiêu hình thành AEC; tái khẳng định cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư nội khối bằng việc tiếp tục mở cửa từng bước khu vực dịch vụ tài chính giữa các nước.
Về vấn đề này, AFMM12 hài lòng với việc kết thúc vòng đàm phán thứ 4 về tự do hoá dịch vụ tài chính trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và đã ký Nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ 4 về các dịch vụ tài chính vào chiều 4/4. Đồng thời tuyên bố bắt đầu vòng đàm phán thứ 5, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2010. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đàm phán về dịch vụ tài chính với các đối tác đối thoại.
AFMM12 cho rằng, tự do hoá tài khoản vốn là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng quan trọng và hỗ trợ quá trình hội nhập kinh tế khu vực. Do vậy, AFMM12 cũng tái khẳng định cam kết nhằm tự do hoá hơn nữa tài khoản vốn theo đúng tiến độ, đảm bảo tối đa hoá lợi ích và giảm thiểu rủi ro...
Những vấn đề dư luận quan tâm
Trả lời về những kết quả cụ thể đạt được tại AFMM12 đối với việc phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI) và lập Quỹ Tiền tệ châu Á (Sáng kiến ChiangMai -CMI), Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Suraphong Suebwonglee cho hay:
“AFMM12 đã thảo luận nghiêm túc hai sáng kiến này và đạt được một số tiến triển. Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn do hoàn cảnh tiền tệ thế giới có tác động nhất định đến việc triển khai thực hiện các sáng kiến kể trên. Do vậy, chúng tôi phải hoạch định lộ trình để củng cố hơn nữa tiến trình hội nhập!”.
Bộ trưởng Tài chính VN Vũ Văn Ninh cho biết thêm: “”Chúng tôi đã thảo luận một số nguyên tắc trong việc thành lập Quỹ ASEAN+3 (không có sự tham gia của IMF, WB, ADB...); thống nhất nguyên tắc hoạt động của quỹ nhằm hỗ trợ các nước thành viên phòng ngừa rủi ro, khủng hoảng; đưa ra những tiêu chí giám sát quỹ một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình phát sinh ở mỗi nước và tình hình của ASSEAN.
Tuy nhiên đây mới là sự thống nhất chung trong nội khối ASEAN. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục thảo luận với 3 đối tác Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tại cuộc họp AFMM+3 sắp tới ở Madrid. Tuy nhiên có thể khẳng định, đến nay chúng tôi đã được một sự đột phá rất cao trong việc triển khai sáng kiến này!”.
Về khả năng hình thành đồng tiền chung ASEAN, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Nor Mahamed Yakcop cho rằng có rất nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi có một lộ trình cụ thể cho việc này. Tuy nhiên, đồng tiền chung không phải là mục tiêu chính mà vấn đề là sự hội nhập sâu sắc giữa các nước thành viên. ASEAN đang trong giai đoạn phát triển khác nhau, có nước đã có thể xem là phát triển, có nước đang phát triển và cũng có nước chậm phát triển. Vì vậy, cần có những giải pháp để đạt sự gắn kết, hội nhập của các nước thành viên, thể hiện ASEAN là một khối thống nhất.
Đối với vấn đề đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng cho khu vực, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho hay, nền kinh tế thế giới biến động, giá lương thực, giá dầu tăng đột biến đang tác động đến ASEAN và mỗi nước trong khu vực. Do vậy, AFMM nhận thấy cần phải củng cố, tăng cường thực thi các sáng kiến khu vực về an ninh lương thực và năng lượng để đảm đảm đời sống cho người dân, nhất là người nghèo. Trong đó có việc hỗ trợ về lương thực, năng lượng để đảm bảo nguồn cung trong khu vực.
Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam nói rõ thêm, ASEAN đã có sáng kiến về đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng và đang tiếp tục triển khai trong trung hạn và dài hạn. Tại cuộc họp lần này, AFMM nhất trí tuy trong ngắn hạn có một số lo lắng nhưng các nước trong khu vực không gặp phải vấn đề thiếu hụt nguồn cung lương thực trong trung hạn. Đơn cử như Thái Lan không có giới hạn nào về xuất khẩu gạo.
Theo dự kiến, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 13 sẽ được tổ chức tại Thái Lan vào tuần đầu tiên của tháng 4/2009.
Theo VNN